(MPI) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: MPI |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng, phấn khởi, nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành về những nội dung trong Báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022. Các đại biểu Quốc hội cũng đã quan tâm, lưu ý nhiều vấn đề, đặc biệt là những vướng mắc, những tồn tại đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.
Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sớm ban hành Chương trình này có được là nhờ từ sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, tổ chức nhiều phiên họp làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp với những nhiệm vụ hết sức cụ thể và huy động, phân bổ nguồn lực hết sức chi tiết. Trong đó có 14 văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn. Đồng thời, xem đây là một nhiệm vụ, một công việc hết sức quan trọng để làm cơ sở để đánh giá và xếp loại cho cán bộ, công chức và các tổ chức trong đánh giá xếp hạng cuối năm và đặc biệt là người đứng đầu. “Khi xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức tập trung chỉ đạo, trong đó có 3 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo”, Phó Thủ tướng nói.
Về xây dựng chính sách, cơ chế, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ trưởng đã ban hành được 11 văn bản theo kế hoạch. Tuy nhiên, có một số văn bản chậm hơn so với tiến độ của Nghị quyết đề ra do đây là chương trình và chính sách rất phức tạp, có sự phối hợp giữa các bộ ngành. Bên cạnh đó, đây là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn. Chúng ta thực hiện phục hồi sau khi tác động của đại dịch COVID-19, nó không phải là một nhiệm vụ thường xuyên, do đó cũng nảy sinh ra nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động được.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh về tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và cho biết, khi thực hiện chính sách này trong thời điểm còn nhiều vấn đề bất cập, do đó lần này Chính phủ cũng rút kinh nghiệm làm một cách rất chặt chẽ và hướng dẫn bằng một nghị định với trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan một cách đầy đủ và chặt chẽ để khi thực hiện chương trình được thông suốt và được thuận lợi.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI |
Sau một ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc đã có 74 ý kiến phát biểu, 4 đại biểu tranh luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nội dung thảo luận toàn diện các ý kiến phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề cử tri nhân dân quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi, phát triển, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tốt, hoạt động bán lẻ tiếp tục khởi sắc, trở về gần như trước dịch bệnh, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư, thu ngân sách tăng trưởng tích cực, lãi suất huy động và tỷ giá tăng, song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động doanh nghiệp du lịch phục hồi tích cực; hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, y tế, thể thao, du lịch, giao thông vận tải cơ bản đã trở lại bình thường; đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và ổn định xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt chú ý khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 43 và Nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm quốc gia. Chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro. Đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Kiểm soát lạm phát, nợ xấu. Quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Bảo đảm cân đối cung - cầu bình ổn giá. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư