(MPI) - Ngày 21/6/2022, Hội thảo về xu hướng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu và giải pháp xúc tiến đầu tư trong bối cảnh mới được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Paramita Dasgrupta, Giám đốc cố vấn Tạo lập thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn,Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu khai mạc. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nền kinh tế đang bước sang giai đoạn phục hồi và có các bước phát triển mạnh mẽ, chứng kiến nhiều cơ hội để nhìn nhận xu hướng mới và sự dịch chuyển đang diễn ra trên toàn cầu với sự xuất hiện của dòng vốn FDI thế hệ mới mới, FDI xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh,…
Trong 06 tháng đầu năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhằm thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như chuyển đổi số, nông nghiệp chất lượng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để tạo mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại phúc lợi xã hội, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bà Paramita Dasgrupta đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hợp tác chặt chẽ với IFC để xây dựng các chiến lược thu hút FDI thế hệ mới và nâng cao, cải thiện các cơ chế, chính sách. IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng nhằm giúp khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
|
Ảnh: MPI |
Tọa đàm đã tập trung thảo luận 02 nội dung chính là xu hướng FDI và xu hướng sản xuất toàn cầu trong thời gian qua, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với FDI toàn cầu, xu hướng tái cơ cấu đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia và xu hướng FDI tại Việt Nam và trong khu vực; Kết quả các cuộc khảo sát hoạt động của các cơ quan xúc tiến đầu tư toàn cầu và đề xuất các giải pháp xúc tiến đầu tư nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Theo báo cáo khảo sát của nhóm chuyên gia IFC và Ngân hàng Thế giới, FDI nội vùng trở nên quan trọng hơn đối với hầu hết các khu vực, đặc biệt là đối với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tập trung vào các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, dịch vụ chuyên nghiệp, công nghệ thông tin,… và tăng trưởng được đẩy nhanh hơn nữa do đại dịch. Bốn siêu xu hướng sẽ định hình quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong lương lai là sự gia tăng rủi ro và bất ổn; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; công nghệ mới và thúc đẩy sự bền vững.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI. Tuy nhiên dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm trong năm 2020 và hiện chưa phục hồi đạt mức của năm 2019. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, nhưng thặng dự thương mại của các doanh nghiệp có vốn FDI đã bị thu hẹp kể từ sau đại dịch. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách chính sách đầu tư và các quy định có mục tiêu, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến chế tạo, y tế, giáo dục đào tạo…/.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư