Quầy hàng hoa quả ở chợ Wan Chai, ngày 9/2/2022. (Ảnh: Mạc Luyện/TTXVN) 15 nền kinh tế thành viên của RCEP đều là các đối tác thương mại lớn của Hong Kong, với thương mại hàng hoá năm 2021 chiếm trên 70% tổng kim ngạch thương mại của Hong Kong.
Tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp Hong Kong (Trung Quốc) ngày 1/6, nhiều thành viên đã bày tỏ mối quan tâm về việc Hong Kong xin gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hy vọng Hong Kong có thể tận dụng cơ hội do tham gia RCEP mang lại để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển đổi mới khoa học công nghệ và tái công nghiệp hóa.
Cục trưởng Phát triển thương mại và kinh tế Khâu Đằng Hoa cho biết RCEP có địa vị quan trọng về quy mô thương mại, dân số và các nền kinh tế thành viên, đồng thời chứa đựng những cơ hội và kinh doanh to lớn.
15 nền kinh tế thành viên của RCEP đều là các đối tác thương mại lớn của Hong Kong, với thương mại hàng hoá năm 2021 chiếm trên 70% tổng kim ngạch thương mại của Hong Kong.
Ông cho biết chính quyền Hong Kong luôn tích cực tranh thủ tham gia RCEP.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dươn (APEC) ở Thái Lan mới đây, ông đã tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước và nhận được những phản hồi tích cực.
Theo ông Khâu Đằng Hoa, RCEP cung cấp nền tảng quan trọng để hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực, vì thế Hong Kong phải nắm bắt cơ hội, nếu không kinh tế Khu Hành chính đặc biệt này sẽ khó bước lên một nấc cao hơn.
Ông cho rằng Hong Kong, với tư cách là trung tâm tài chính và vận tải biển quan trọng nhất trong khu vực, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho cộng đồng quốc tế, có điều kiện có lợi để tham gia RCEP.
Vùng đô thị phía Bắc tiếp giáp với thành phố Thâm Quyến, sẽ giúp chính quyền Khu Hành chính đặc biệt này tận dụng tốt lợi thế địa lý khi xây dựng trung tâm công nghệ và đổi mới quốc tế.
Trong quy hoạch, cần tăng cường kết nối với Thâm Quyến, tăng cường hợp tác giữa hai bên để thâm nhập vào thị trường Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Trung Quốc) và Đại lục, đạt được sức mạnh tổng hợp; về mặt chiến lược phát triển có thể tăng cường kết nối giữa các thành viên RCEP và củng cố Hong Kong như một nền tảng kết nối Đại lục và thế giới.
Ngoài làm việc ở cấp bộ trưởng, chính quyền Hong Kong đã thành lập một số văn phòng kinh tế và thương mại ở các thành phố quan trọng của các nước thành viên RCEP, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Australia.., để chuẩn bị cho việc sắp xếp trong tương lai.
Thành viên Hội đồng Lập pháp Nghiêm Cương quan tâm đến tình hình quy hoạch phát triển các ngành đồng bộ sau khi Hong Kong gia nhập RCEP.
Trả lời chất vấn tại hội nghị, ông Nghiêm Cương cho biết sau khi gia nhập RCEP, Hong Kong có thể sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp như miễn giảm thuế và mở cửa thị trường trong thời gian tới, kiến nghị khi quy hoạch khu Đô thị phía Bắc, trọng điểm phát triển các ngành liên quan có thể được hưởng lợi từ RCEP và tận dụng các cơ hội do RCEP mang lại .
Theo ông Nghiêm Cương, sau khi Hong Kong gia nhập RCEP, cần cập nhật và sửa đổi chính sách thương mại giữa Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, trong đó có Thỏa thuận thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Đại lục và Hong Kong (CEPA), kiến nghị Chính quyền Khu Hành chính đặc biệt này và Bộ Thương mại Trung Quốc bàn bạc để đưa ra sự sắp xếp mới nhất.
Do các biện pháp thương mại tự do được thực hiện theo RCEP sẽ thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại giữa Đại lục và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính quyền Hong Kong cũng nên đánh giá và chuẩn bị đưa ra các biện pháp đối phó kịp thời trước những thách thức có thể xảy ra đối với địa vị là một trung tâm thương mại quốc tế.
Chính quyền Hong Kong đã nộp đơn xin gia nhập RCEP từ hồi đầu năm nay./.