(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hiệp hội để xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025. Dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội để xin ý kiến.
|
Ảnh: MPI |
Ngày 08/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 (Chương trình) với mục tiêu tổng quát là phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Huy động nguồn lực xã hội, từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đóng góp tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tại điểm khoản 1 Mục IV Chương trình, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các nội dung về nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; nội dung phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững từ nguồn ngân sách nhà nước; lập, tổng hợp, giao kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.
Việc ban hành Thông tư là cơ sở để Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình tài chính, thành phần, thủ tục hồ sơ giấy tờ tài chính cần có để thanh quyết toán hoạt động hỗ trợ kinh doanh bền vững từ ngân sách nhà nước trong khuôn khổ Chương trình.
Dự thảo Thông tư bám sát các nội dung cần được hướng dẫn theo quy định tại Quyết định số 167/QĐ-TTg. Theo Dự thảo, bộ công cụ đo lường, đánh giá, công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững là bộ các tiêu chí, tiêu chuẩn dùng để xác định một mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn hoặc mô hình kinh doanh bao trùm hoặc mô hình kinh doanh bền vững khác.
Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững bao gồm các cơ quan, đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp.Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức có tư cách pháp nhân có tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ hoặc thực hiện hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững là các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững là doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững và được đánh giá, công nhận bởi các bộ công cụ đo lường, đánh giá, công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo quy định tại Thông tư này.
Về nguyên tắc đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững bảo đảm công khai, minh bạch về các tiêu chí, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững cần có phương pháp đánh giá cụ thể, có thể đo lường theo thang điểm, trọng số và không vi phạm quy định pháp luật liên quan.
Việc đánh giá, đo lường mô hình kinh doanh bền vững trên nguyên tắc tự nguyện, do các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững thực hiện thông qua các bộ công và kết quả đánh giá, đo lường chia theo cấp độ áp dụng mô hình kinh doanh bền vững của doanh nghiệp và được sử dụng làm căn cứ xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững từ nguồn ngân sách nhà nước.
Về hướng dẫn về tiêu chí của bộ công cụ đo lường, đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững, dự thảo Thông tư quy định: Bộ công cụ cần có đầy đủ các nhóm tiêu chí chính và khuyến nghị các tiêu chí thành phần theo từng nhóm tiêu chí chính để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu lựa chọn phương án áp dụng khi xây dựng bộ công cụ theo một số mô hình kinh doanh bền vững.
Về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, dự thảo Thông tư đã hướng dẫn chi tiết hơn một số nội dung hỗ trợ đã được quy định tại Quyết định số 167/QĐ-TTg, bao gồm: Nâng cao nhận thức về kinh doanh bền vững; Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững; Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững (Điều 8).
Trong đó, tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững được công nhận và tham gia hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự thảo Thông tư gồm 16 Điều, được kết cấu thành 06 chương và 02 phụ lục, Chương I “Quy định chung”, gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Giải thích từ ngữ (Điều 2); Chương II “Công cụ đo lường, đánh giá, công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững”, quy định Nguyên tắc đánh giá, đo lường, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; Hướng dẫn về tiêu chí của bộ công cụ đo lường, đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bền vững và Hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; Chương III “Nội dung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững từ nguồn ngân sách nhà nước”; Chương IV “Nội dung doanh nghiệp kinh doanh bền vững từ nguồn ngân sách nhà nước”; Chương V “Lập, tổng hợp, giao kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững và Chương VI “Tổ chức thực hiện”./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư