(MPI) - Phát biểu tại phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 05/7/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong công tác lập quy hoạch, hoàn thành dự thảo, đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Quy hoạch là việc làm mới, khó, phức tạp nhưng quan trọng
Công tác quy hoạch đang được thực hiện đồng bộ trên cả nước, từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Đây là lần đầu tiên lập lại toàn bộ các quy hoạch theo phương pháp mới, đồng thời, đồng bộ, tích hợp tất cả các quy hoạch theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đây cũng là việc làm mới, khó, phức tạp, quan trọng, quyết định phát triển nhanh và bền vững của cả đất nước cũng như từng vùng, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn vừa qua và cho rằng, trong thời gian tới Tỉnh cần sắp xếp lại, có chiến lược, khai thác hết tiềm năng lợi thế, vượt qua thách thức. Theo đó, cần phải có cách tiếp cận với tư duy, tầm nhìn mới để bố trí lại không gian phát triển, bổ trợ lẫn nhau, mang lại hiệu quả cao nhất. Đấy cũng chính là ý nghĩa của công tác quy hoạch.
Thái Nguyên đã có những thay đổi lớn, nhất là sự năng động sáng tạo, đoàn kết, thống nhất. Với nền tảng tốt như vậy, làm thế nào để đạt kết quả tốt hơn là vấn đề khó; đòi hỏi tỉnh Thái Nguyên phải nhận diện hết các tiềm năng, lợi thế, thách thức để có các yếu tố mới, tiếp tục phát triển ở trình độ cao hơn và đây cũng là đòi hỏi của bản quy hoạch lần này, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bản quy hoạch sẽ là kim chỉ nam để phát triển trong gian đoạn tới
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh đến vị trí địa lý đặc thù của Tỉnh và cho biết, trong thời gian qua, Thái Nguyên đã cố gắng phát huy các thế mạnh, góp phần vào phát triển chung của cả nước; phát huy vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng; xác định chuyển đổi số là chìa khóa vàng giúp tỉnh cất cánh và thực hiện khát vọng của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Nguyên vẫn còn những bất cập, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế như du lịch, thương mại dịch vụ; về nông nghiệp, chưa xây dựng được sản phẩm chủ lực, ví dụ như chè Thái Nguyên để mang ra quốc tế. Trong thời gian tới, tỉnh xác định phải huy động, sử dụng nguồn lực để nâng cao toàn diện đời sống người dân, xây dựng Tỉnh là trung tâm kinh tế hiện đại vào năm 2030. Bản quy hoạch sẽ là kim chỉ nam của Tỉnh trong các năm tiếp theo.
|
Bí thư tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: MPI |
“Mọi khát vọng đã được thể hiện trong bản quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu đề ra; coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; sử dụng hết trí tuệ tập thể, của Nhân dân, tổ chức tham vấn ý kiến để hoàn thiện bản quy hoạch. Tuy nhiên, bản quy hoạch vẫn còn những vấn đề có thể chưa đến tầm và mong nhận được góp ý thẳng thắn của các đại biểu, đưa ra các giải pháp để Thái Nguyên sớm cất cánh, thực hiện giấc mơ trong thời gian tới; xây dựng được bản quy hoạch hiệu quả nhất, phù hợp nhất, tương xứng nhất với tiềm năng lợi thế để phát triển và lan tỏa đến các địa phương khác”, bà Hải nói.
Theo bản quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trình bày tại phiên họp, Thái Nguyên đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; Phát triển, xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, ấm no, hạnh phúc, thân thiện, bền vững, trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh ở miền Bắc và đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch, dịch vụ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Tầm nhìn đến năm 2050 là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng; Phấn đấu tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đưa ra các đột phá như tập trung phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển đô thị và công nghiệp tại các khu vực phía Nam của tỉnh; Đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đưa ra các giải pháp về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn lực; môi trường, khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Khai thác, phát huy hết các tiềm năng lợi thế để phát triển
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến về dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu cho rằng, bản quy hoạch được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước được Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025; các báo cáo được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20/5/2020. Quy hoạch đã được phân tích, xây dựng dựa trên hệ thống số liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng, khả năng phát triển và đảm bảo tính khả thi. Từ phân tích tiềm năng, lợi thế, hiện trạng, tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện được khát vọng cao trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm một số nội dung để giúp tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện bản quy hoạch, cụ thể như đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng các ngành và lĩnh vực xã hội, hiện trạng sử dụng đất; thực trạng đô thị và nông thôn, các khu chức năng; phương án phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh; giải pháp thực hiện quy hoạch; đánh giá sự phù hợp, mối quan hệ giữa các quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường và dự báo tác động;…
Đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu là chuyên gia phản biện, thành viên Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các ý kiến cho thấy quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được xây dựng công phu, khoa học; Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đầy đủ và phù hợp với quy định. Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên với điều kiện phải bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số nội dung và đề nghị tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện. Theo đó, về tiềm năng lợi thế, cần nêu bật hết tiềm năng lợi thế, nhất là vị trí địa lý thuận tiện trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; mang tính chiến lược quan trọng, là trung tâm của vùng, kết nối giữa vùng Thủ đô với vùng Trung du miền núi phía Bắc với “vị trí thiên thời địa lợi”; phát huy lợi thế về giao thông; lợi thế là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước.
Về nội dung quy hoạch, bên cạnh bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh, phải bám sát Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bám sát khung định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và một số quy hoạch ngành đã được ban hành.
Về đột phá phát triển, làm rõ nét kịch bản tăng trưởng so với tiềm năng, lợi thế; phải xác định rõ đâu là động lực, lĩnh vực ưu tiên để phát triển; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; phát triển các khu, cụm công nghiệp phải gắn với vấn đề xử lý môi trường; phát triển văn hóa, hạ tầng, thương mại sẽ là động lực, nền tảng trụ cột của nền kinh tế; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số… là các lĩnh vực cần được quân tâm trong thời gian tới.
Về quan điểm phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã đến lúc cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng phải nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới, chủ động kiến tạo, phát triển để quyết định tương lai của mình. Bên cạnh phát huy những cơ hội sẵn có phải tạo ra cơ hội cho mình để tận dụng hết các tiềm năng lợi thế. Bộ trưởng cũng đề cập đến mục tiêu, không gian phát triển; các giải pháp ưu tiên, trong đó đặc biệt chú ý đến các giải pháp thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn để đầu tư phát triển, phải có cơ chế, chính chính sách để hiện thực hóa quy hoạch trong thời kỳ tới.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu và kết luận của Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư