Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/07/2022-17:19:00 PM
Hội nghị Giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra chiều ngày 18/7/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực và trong nước cũng như trước yêu cầu của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi các đơn vị phải nhanh hơn, nỗ lực hơn, tư duy mới hơn trong tiếp cận các vấn đề hệ trọng của đất nước mới có thể đáp ứng được yêu cầu và quyết định tương lai của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá công việc của 6 tháng đầu năm 2022 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề lớn đặt ra cho 6 tháng cuối năm trước những biến động khó lường, phức tạp trên thế giới cũng như trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch và hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm nay là hết sức quan trọng, bởi đây là cơ sở để dẫn dắt nền kinh tế, sự phát triển đất nước, là cơ sở triển khai nhiệm vụ, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; pháp luật về đầu tư công, đấu thầu.

Trong bối cảnh hiện tại, dù đang đối mặt với thách thức, nhưng yêu cầu phục hồi nhanh hơn, phát triển nhanh hơn, tận dụng các cơ hội đang được đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, đặc biệt là đánh giá những kết quả đã đạt được để từ đó đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; tăng cường công tác dự báo, đánh giá những tác động của yếu tố bên ngoài để chủ động ứng phó, thích nghi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn phức tạp; các yếu tố làm tăng lạm phát ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; phải bám sát tình hình, theo dõi chặt chẽ để có dự báo và tham mưu kịp thời, giúp Chính phủ điều hành linh hoạt, hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2022; lấy lại đà tăng trưởng để dẫn dắt cho các năm tiếp theo nhằm hoàn thành mục tiêu của kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022, quán triệt chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ, khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được giao, với phương châm hành động là “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Là cơ quan tham mưu tổng hợp, dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, như: Số nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao chưa hoàn thành, quá hạn vẫn còn. Trước tồn tại đó, các đơn vị thuộc Bộ đã kiểm điểm một cách nghiêm túc, đánh giá những mặt được, chưa được đối với từng lĩnh vực công tác.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở theo dõi tình hình triển khai của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ đã xây dựng Báo cáo về tình hình tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các cuộc họp của Thường trực Chính phủ; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đề xuất Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2022.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Về triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ , Bộ đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Thực hiện các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 3 và tháng 4 năm 2022 của Chính phủ , Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 và phương án, cắt giảm, điều chuyển số vốn còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong quá trình triển khai, Bộ đã làm tốt công tác báo cáo và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác về kết quả rà soát và kiến nghị cụ thể đối với nhóm dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc chuyển đổi vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022; xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ thưởng phạt đối với các chủ thể có liên quan tới đầu tư xây dựng dự án.

Bộ cũng đã thực hiện các nhiệm vụ để góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; theo dõi, cập nhật tình hình, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh các biện pháp, chính sách trong nước phù hợp với những thay đổi nhanh và đột ngột ở thị trường thế giới; đánh giá khả năng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế các địa phương và vùng lãnh thổ; Quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài; Triển khai công tác quản lý quy hoạch; Công tác thống kê; Công tác quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia;…

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, theo báo cáo, trong 6 tháng cuối năm 2022, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch cũng như các nội dung sẽ trình tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV và khẩn trương hoàn thành 47 đề án, báo cáo được giao 6 tháng cuối năm 2022.

Đặc biệt, cần tập trung vào các đề án, nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; công tác Quy hoạch; các đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và mô hình kinh tế mới; công tác đối ngoại; triển khai nhiệm vụ đầu tư công. Theo đó, về công tác giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch cho danh mục nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Phối hợp, đôn đốc các cơ quan chủ chương trình khẩn trương xây dựng phương án phân bổ vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại chưa phân bổ để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 01/8/2022.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, đôn đốc 17 địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch vốn khẩn trương tổ chức thực hiện từng nội dung, hoạt động thuộc từng CTMTQG và báo cáo kết quả giải ngân vốn từng CTMTQG và đôn đốc các địa phương còn lại khẩn trương thực hiện phân bổ vốn theo quy định. Yêu cầu các bộ, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ dự án phát triển hạ tầng, Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về xây dựng kế hoạch đầu tư công 2023, ban hành hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 và trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2956
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)