Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/07/2022-15:49:00 PM
Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
(MPI) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo Quyết định, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Trong đó, 18 chủ đề bao gồm: Một là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 9 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Hai là, truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 3 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Ba là, phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Bốn là, huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, bao gồm: 3 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 14 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Năm là, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Sáu là, hội nhập và hợp tác quốc tế, bao gồm: 3 nhóm nhiệm vụ, hoạt động. Bảy là, bình đẳng trong chuyển đổi xanh, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Tám là, năng lượng, bao gồm: 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Chín là, công nghiệp, bao gồm: 4 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

Mười là, giao thông vận tải và dịch vụ logistics, bao gồm: 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 18 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười một là, xây dựng, bao gồm: 4 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 13 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười hai là, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: 5 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 11 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười ba là, quản lý chất thải, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 3 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười bốn là, quản lý chất lượng không khí, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 2 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười năm là, quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học; phát triển kinh tế biển xanh, bao gồm: 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 16 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười sáu là, tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười bảy là, y tế, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 6 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Mười tám là, du lịch, bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 4 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban và các ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, để tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thú tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế. Hỗ trợ quốc tế: vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác: vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về chế độ báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan định kỳ tổ chức rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được giao tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, tổng hợp vào báo cáo thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm điều phối việc thực hiện tăng trưởng xanh, thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện, tổng hợp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, quyết định./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3299
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)