(MPI) - Ngày 08/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh chụp tại Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.
Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh,… và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam là cần cù, ham học, linh hoạt và sáng tạo.
Chuyển đổi số tiếp tục góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tập trung thúc đẩy 03 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, minh chứng bằng số liệu về các nhiệm vụ đã được triển khai trong thời gian qua, những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban; chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan về những kết quả chưa đạt được và đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo Báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt mục tiêu đặt ra cho cả năm; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng các nền tảng số do Việt Nam sở hữu, phát triển, gần 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động (riêng tháng 6/2022) đưa Việt Nam xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới.
Theo kết quả thực hiện theo nhiệm vụ của Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các địa phương, hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động phổ cập chuyển đổi số trực tiếp cho các địa phương, bao gồm nhận thức về tầm nhìn, chiến lược, kiến thức chuyển đổi số nói chung và nâng cao năng lực chuyển đổi số trong một số nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp. Khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo để nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực chuyển đổi số.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số để đạt kết quả tích cực, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại.
Trong 27 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương tại Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thì có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 cần tiếp tục hoàn thành. Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm; hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 có tỉ lệ hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu cuối năm trong khi chúng ta chỉ còn gần 4 tháng.
Bên cạnh đó, chuyển biến tương đối rõ ràng hơn ở các cấp, ngành khi người đứng đầu của các bộ, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ: 22 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc đã thành lập Ban chỉ đạo và đi vào hoạt động; chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước sang ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.
Hạ tầng công nghệ thông tin được tiếp tục phát huy từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu dân cư tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ số.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực chuyển đổi số; người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số: trong đó có hợp tác công tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả; nói phải đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Khẩn trương phối hợp, thực hiện chuyển đổi số từ cấp trung ương đến địa phương. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, bảo đảm thống nhất cách hiểu về dịch vụ công trực tuyến và lộ trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển cho triển khai chuyển đổi số năm 2023 và đến năm 2025; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả; theo dõi chặt chẽ tình hình đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư