(MPI) - Tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng ngày 27/8/2022, đại diện các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB, JETRO, KOTRA, EREX đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển hiệu quả Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
|
Bà Steffi Stallmeister, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam. Ảnh: MPI |
Bà Steffi Stallmeister, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) nhận định rằng, Việt Nam là một hình mẫu trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và duy trì hòa bình, thịnh vượng; là ví dụ trên toàn cầu về thành công cải cách chính sách và tận dụng các nguồn lực kinh tế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cũng như những bước tiến cho xã hội.
Việt Nam đã luôn nỗ lực cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt chú ý tới những người nghèo nhất. Điều này được thể hiện rõ nhất quaChương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tập trung giải quyết những thách thức ở các khu vực tập trung đông dân tộc thiểu số.
Bà Stallmeister đã đưa ra một số đề nghị để cải thiện môi trường tại các vùng nông thôn: thứ nhất, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng như đường xá để kết nối với thị trường tiêu thụ,đẩy mạnh tham gia vào thị trường thương mại điện tử, các kỹ năng số mà trước đây chỉ có ở các thành phố lớn để phát triển tại các vùng sâu vùng xa.
Thứ hai, người dân là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế bền vững và phá vỡ bẫy nghèo giữa các thế hệ. Do đó, tăng cường tiếp cận giáo dục và cải thiện kết quả học tập cũng sẽ là yếu tố thiết yếu.
Thứ ba, cần quan tâm hơn tới hệ thống bảo trợ xã hội, hệ thống an sinh xã hội cũng như cần giải quyết các vấn đề dễ bị tổn thương mới nổi như lao động phi chính thức, những người sống ở khu vực thành thị phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều, người tàn tật và người già. Thứ tư, tăng cường chính sách nhắm tới dân tộc thiểu số.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục và mạnh mẽ của Chính phủ đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, được tái khẳng định bằng Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 nhằm thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Ông Andrew Jeffries vui mừng chia sẻ, các hoạt động trước đây và hiện nay của ADB đã và đang hỗ trợ các chiến lược và kế hoạch phát triển của vùng.Các hoạt động của ADB trong tương lai, như được nêu bật trong Chiến lược Đối tác quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2023-2026, vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của vùng phù hợp với các định hướng đã được Chính phủ phê duyệt.
Ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên và đa dạng dân tộc, du lịch bền vững có thể tạo việc làm và đa dạng hóa nền kinh tế. Do vậy, ADB vui mừng khi được hợp táccùng với Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Vùng này, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng đô thị và du lịch bền vững cho Hòa Bình, Lào Cai và cơ sở hạ tầng xanh ở Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái và sẵn sàng hỗ trợ các nơi khác.
Ông Andrew Jeffries hy vọng, ADB cùng với các đối tác phát triển khác sẽ được tiếp tục hỗ trợ cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong công cuộc phát triển của vùng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thịnh vượng, đồng đều và có khả năng thích ứng.
|
Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện JETRO Hà Nội. Ảnh: MPI |
Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO Hà Nội đã đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như: đa dạng hóa nguồn cung cấp hàng hóa, tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả; đảm bảo việc dự trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất, đảm bảo điện thông qua các nguồn điện tự phân phối và giảm chi phí năng lượng; đảm bảo nguồn nhân lực (tăng lương và phúc lợi xã hội), nội địa hóa nguồn nhân lực;… Đồng thời, cần phát triển các khu công nghiệp chức năng và cơ sở hạ tầng phù hợp cho các trung tâm logistic và trung tâm dữ liệu.
Ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn phòng KOTRA Hà Nội cho rằng, Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ của Việt Nam có tiềm năng để phát triển du lịch cũng như nông - lâm nghiệp, nhờ diện tích rừng lớn cùng với nguồn tài nguyên dồi dào; nếu khai thác được hết tiềm năng này thì đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường châu Á và toàn cầu.
“Có nhiều cơ hội đầu tư cho Hàn Quốc tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ của Việt Nam. Các công ty Hàn Quốc có thể mang lại hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực như: khai thác tài nguyên kim loại hiếm, chế biến và xuất khẩu lâm, nông sản, đầu tư sản xuất, thương mại dịch vụ,...” ông Lee Jong Seob chia sẻ.
Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex (Nhật Bản) nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng bền vững, phong phú trong việc phát triển loại hình năng lượng sinh khối. Nếu sử dụng nguyên liệu sinh khối cho việc phát điện và làm nhiên liệu sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa như cung cấp điện năng ổn định/khử các bon, có tiềm năng sử dụng làm nguồn tải nền của Việt Nam trong quá trình tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể chuyển đổi tài nguyên sinh khối chưa sử dụng sang năng lượng điện năng./.
|
Lễ trao thỏa thuận hợp tác và các biên bản ghi nhớ với các nhà tài trợ. Ảnh: MPI |
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư