Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/09/2022-12:55:00 PM
Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm việc với OECD tại Paris, Cộng hòa Pháp
(MPI) - Ngày 05/9/2022, tại Paris, Cộng hòa Pháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp của các bộ, ngành Việt Nam với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về dự thảo Báo cáo Kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại cuộc họp với OECD. Ảnh: MPI

Báo cáo Kinh tế Việt Nam được OECD thực hiện lần đầu tiên, xây dựng trong khung khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026, được ký kết vào tháng 11/2021 với dưới chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thư ký OECD.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ sự cảm ơn đối với OECD và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phối hợp xây dựng Báo cáo Kinh tế Việt Nam; đồng thời trao đổi cụ thể về một số nội dung để các thành viên OECD hiểu hơn về thực trạng và phương thức điều hành chính sách kinh tế, các ưu tiên cải cách của Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, thu hút FDI trong bối cảnh mới,... Thứ trưởng hy vọng Báo cáo sẽ sớm được hoàn thiện và công bố dự kiến trong tháng 10/2022.

Trong hơn ba thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật. Việc tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu đã mang lại sự thịnh vượng về kinh tế, nhưng cũng khiến Việt Nam dễ chịu tác động của các điều kiện bên ngoài, vốn đã trở nên bất ổn hơn so với trước đây. Dự thảo Báo cáo đưa ra nhận định rằng, Việt Nam cần hướng tới mục tiêu tăng trưởng không chỉ cao mà còn bền vững sau đại dịch, tập trung vào các thông điệp chính như: chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế; cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; duy trì mức độ đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.

Ngoài ra, để phục hồi mạnh mẽ, số hóa và xanh sau đại dịch COVID-19, Dự thảo Báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng, những cải cách thị trường mới và tăng tốc hội nhập kinh tế của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới năng suất tăng trở lại nên được tiếp tục và thậm chí cần tăng tốc như đẩy nhanh quá trình chuyển đối số, hướng tới mục tiêu phục hồi xanh./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1902
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)