(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 6363/BC-BKHĐT ngày 09/9/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ nguời dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng một số Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đã được ban hành và đề xuất các giải pháp, chính sách tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội.
Để chuẩn bị ứng phó với đại dịch trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động làm việc với một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan và dự thảo báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm sức khỏe người dân, an sinh xã hội trình Thủ tướng Chính phủ.
Về các kết quả đạt được, Báo cáo nêu rõ: Thứ nhất, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ là một phản ứng chính sách đúng đắn và kịp thời; động viên tinh thần, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh tính ưu việt của chế độ; thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ luôn chia sẻ với người dân, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là quan điểm phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế khác, chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội, qua đó giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng GDP năm 2020 đạt 2,94%, năm 2021 đạt 2,58%, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, không rơi vào tình trạng suy thoái là một thành công lớn của nước ta trong bối cảnh đại dịch.
Thứ hai, Nghị quyết số 42/NQ-CP được xây dựng, ban hành và triển khai nhanh, nhưng luôn với quan điểm thận trọng trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ như đại dịch COVID-19; phương thức, đối tượng, quy mô hỗ trợ của các chính sách trong Nghị quyết cũng chưa từng được áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam và với điều kiện nguồn lực tài khóa hạn hẹp của đất nước.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc mà Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, nhất là các nguyên tắc: đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách; hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Thứ tư, chính sách của Chính phủ đã tạo cơ sở để các địa phương chủ động, linh hoạt ban hành chính sách hỗ trợ riêng tùy theo điều kiện đặc thù; đồng thời, có cơ sở ban hành chính sách hỗ trợ hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo.
Việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thêm kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ để vừa đối phó các tình huống cấp bách tương tự trong tương lai một cách hiệu quả hơn, vừa tăng cường nhận thức về các điều kiện có thể bảo đảm tính bền vững, toàn diện của chính sách an sinh xã hội trong dài hạn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù kết quả đạt được cơ bản là tích cực, nhưng việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP còn một số tồn tại, hạn chế như kết quả hỗ trợ của chính sách chưa cao và toàn diện vì đây chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Chính sách hỗ trợ được ban hành trong điều kiện đặc biệt, với mục tiêu ngắn hạn; hỗ trợ ngay và trực tiếp các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhất của đại dịch (người lao động và người sử dụng lao động) để hạn chế khó khăn do bị giảm sâu thu nhập, chưa góp phần bảo đảm nguồn sống ổn định cho họ trong dài hạn; kết quả thực hiện không đồng đều giữa các chính sách hỗ trợ và giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách còn một số bất cập. Một số chính sách hỗ trợ chưa sát với nhu cầu của đối tượng; mức hỗ trợ còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn; chưa thể hiện sự ưu tiên, tập trung; điều kiện tiếp cận còn chặt chẽ, trong khi các công cụ hỗ trợ thực hiện chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.
Từ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan, Báo cáo chỉ ra các bài học kinh nghiệm như trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách mới, chưa có tiền lệ đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, tổng thể, lấy hiệu quả làm thước đo.
Cần bảo đảm tính khả thi của chính sách hỗ trợ không chỉ về khả năng cân đối nguồn lực mà cả về năng lực tổ chức thực hiện (trong công tác rà soát, xác định đối tượng và thẩm định hồ sơ), nhất là đối với các chính sách hỗ trợ mang tính cấp bách, ngắn hạn để đảm bảo hỗ trợ nhanh và hỗ trợ đúng đối tượng. Đối với các chính sách hỗ trợ mang tính căn cơ, lâu dài hơn, cần nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lường, đa chiều.
Công tác tổ chức thực hiện cần được tiến hành khẩn trương, cụ thể đến từng phường, xã. Phương thức tuyên truyền, thông tin, triển khai hướng dẫn thực hiện đa dạng, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện phân cấp mạnh cho địa phưưng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; nhưng song song với đó, các bộ, ngành phải có hướng dẫn kịp thời, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra cho địa phương. Các bộ, ngành được giao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện phải luôn cập nhật, nắm tình hình kịp thời hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tại Báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã ban hành thời gian qua thuộc lĩnh vực quản lý, từ đó làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của từng thời kỳ.
Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trong tham mưu, xây dựng chính sách tiếp tục thực hiện các nguyên tắc hỗ trợ cơ bản: hỗ trợ kịp thời; đúng đối tượng, tránh trùng lặp, bỏ sót; công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; đảm bảo khả thi, hiệu quả, thiết thực để đối tượng hỗ trợ dễ dàng tiếp cận dựa trên các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rõ ràng; ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn lực và thực hiện phân cấp theo quy định để phát huy tính chủ động, tích cực và linh hoạt trong xử lý của các cấp, các ngành và các địa phương.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP cho thấy các tồn tại hạn chế trong tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội; do đó, cần nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản để xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn trong dài hạn./.
Thúy Quyên
Bố Kế hoạch và Đầu tư