(MPI) – Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Để triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 02 Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT ngày 24/11/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và số 12/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 hướng dẫn về quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, các quy định của 02 Thông tư nêu trên đã bộc lộ một số vướng mắc nhất định như chưa rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm trong công tác giám định tư pháp,...
Mặt khác, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), trong đó đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với quy định tại Luật Giám định tư pháp năm 2012.
Do đó, cần phải rà soát, sửa đổi Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT và Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT bảo đảm phù hợp với quy định mới và giải quyết những khó khăn, phát sinh trong quá trình triển khai.
Thực hiện Quyết định số 1450/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, qua đã rà soát, nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng các nội dung cần sửa đổi tại 02 Thông tư trên liên quan đến thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là khá nhiều, đồng thời cũng cần phải bổ sung một số nội dung để hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Từ các lý do nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT và Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT để phù hợp với quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật về giám định mới được ban hành trong thời gian qua cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là cần thiết và có cơ sở pháp lý.
Dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư