(MPI) - Trình bày báo cáo của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/9/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhìn chung các ý kiến tham gia cơ bản thống nhất với Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình thẩm định, đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Báo cáotóm tắt của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nguồn: MPI |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) đã nhận được ý kiến tham gia thẩm định của 40/49 thành viên Hội đồng thẩm định (25/34 thành viên Hội đồng thẩm định và 15/15 chuyên gia phản biện), còn lại 09 thành viên chưa có văn bản tham gia ý kiến.
Toàn bộ 40 văn bản tham gia ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và chuyên gia phản biện, bao gồm 327 ý kiến (quy hoạch 217 ý kiến, báo cáo ĐMC 110 ý kiến) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu 234 ý kiến (quy hoạch 140 ý kiến, báo cáo ĐMC 94 ý kiến) và giải trình 93 ý kiến (quy hoạch 77 ý kiến, báo cáo ĐMC 16 ý kiến).
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Cơ quan thường trực Hội đồng tổng hợp một số nhóm ý kiến chính tham gia đề nghị bổ sung về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia.
Căn cứ quy định tại Điều 32 Luật Quy hoạch, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhận xét tên, thời kỳ, phạm vi ranh giới quy hoạch phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Sự phù hợp giữa nội dung quy hoạch so với yêu cầu về nội dung được xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt: Nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đáp ứng được yêu cầu đã xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Sự phù hợp của số lượng và yêu cầu về nội dung đề xuất được thực hiện so với nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt: Báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia về cơ bản đã thể hiện đầy đủ nội dung các hợp phần quy hoạch theo nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt; tuy nhiên, đề nghị rà soát chỉ đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia các nội dung có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia (khoản 1 Điều 22 Luật Quy hoạch).
Thành phần, số lượng, tiêu chuẩn và quy cách hồ sơ quy hoạch: Đáp ứng các yêu cầu theo Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Về việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch theo quy định tại Điều 16 Luật Quy hoạch, được thể hiện ở 5 bước chính, gồm: một là, xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, trình Chính phủ phê duyệt; Hai là, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; Ba là, thực hiện công tác phối hợp, triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia; Bốn là, tổ chức lấy ý kiến đối với quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định; Năm là, cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch để trình thẩm định quy hoạch.
Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020 của Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra, thu thập số liệu, phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 và triển khai lập quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai lập 41 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, lập Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch; phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế trung ương và 05 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch và Điều 29 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến tham gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định tại Tờ trình số 5705/TTr-BKHĐT ngày 12/8/2022. Song song với quá trình hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp ngày 28/3/2022, xin ý kiến Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến và trình Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 thông qua ngày 06/9/2022.
Về việc tích hợp các hợp phần quy hoạch do các Bộ, ngành liên quan được phân công thực hiện, Thứ trưởng cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cơ bản đã xem xét đến tính hợp lý, logics giữa các hợp phần; các vấn đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng đã được tích hợp và được xử lý, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Việc nghiên cứu, thu thập, đánh giá, phân tích các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội được phối hợp và cập nhật từ các Bộ, ngành nên việc tích hợp các hợp phần để đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia cơ bản đã đáp ứng yêu cầu.
Phương pháp lập quy hoạch và cách tiếp cận đề cập trong báo cáo quy hoạch đã sử dụng một số chỉ số, chỉ tiêu định lượng để phân tích đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các tình huống có thể xảy ra do tác động của các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, cần rà soát hiệu chỉnh một số số liệu, dữ liệu về điều tra hiện trạng, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng liên kết vùng, đánh giá các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển đảm bảo tính đồng nhất.
Theo Báo cáo, về cơ bản nội dung của báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Báo cáo quy hoạch còn có một số nội dung cần được hoàn thiện, cụ thể như căn cứ lập quy hoạch, kết cấu báo cáo; phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia; Quan điểm, mục tiêu phát triển và những vấn đề trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các chương trình, dự án quan trọng cấp quốc gia
Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định) kiến nghị Hội đồng thẩm định xem xét thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện tiếp thu, hoàn thiện nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định, ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư