(MPI) - Tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/9/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ phạm Minh Chính, các đại biểu đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.
Quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tuân thủ đầy đủ quy trình lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, giải trình đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: MPI |
Các nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch tổng thể quốc gia
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Một là, xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia: Quan điểm, tư tưởng lớn của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương. Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Hai là, xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng: Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.
Ba là, hình thành các trục và hành lang kinh tế: Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, 02 hành lang kinh tế Đông - Tây: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Từng bước hình thành và phát triển các hành lang Đông - Tây khác.
Bốn là, hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Theo đó, xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.
Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, chất lượng cao, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên đầu tư các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Phát triển hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại. Xây dựng, hiện đại hóa một số trung tâm văn hóa, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, khu liên hợp thể thao quốc gia... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.
Nỗ lực lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phối hợp xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định) vàcác ý kiến phát biểu. Đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung liên quan đến phát triển hệ thống đô thị và nông thôn; vai tròđóng góp của đô thị nông thôn và chất lượng của hệ thống này hiện nay; tác động của việc mở rộng đôthị; phương hướng phát triển hệ thống đô thị nông thôn, xác định mối liên kết giữa đô thị và nông thôn; mô hình đô thị mới nhưđô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đây là việc làm mới và khó, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi có sự nghiên cứu căn cơ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp rất chặt chẽ, đảm bảo quy định của pháp luật; nhận diện được nhiều điểm mới, có tích hợp giữa từng ngành, địa phương; về phát triển vùng, liên vùng, tiểu vùng dựa trên việc phân tích hoạch định các cơ hội nổi trội, đưa ra được các lợi thế, khả năng trong tương lai để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan soạn thảo đã tính toán yếu tố coi văn hóa con người là chủ thể, trung tâm để khơi dậy phát triển; tính toán đến việc xây dựng các hạ tầng, trong đó có hạ tầng xã hội.
|
TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI |
TS. Cao Viết Sinh, Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo; lần đầu tiên đất nước ta xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030 và tầm đến năm 2050 năm, đây là một nỗ lực lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các viện nghiên cứu, cũng như các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương. Nội dung dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Phương pháp lập quy hoạch đã bảo đảm tiếp cận từ tiềm năng lợi thế, từ cân đối tổng thể, có tính liên ngành, liên vùng, có tham gia nhiều bên, theo nguyên tắc thị trường và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và tính đến các xu thế hội nhập quốc tế.
Hồ sơ lập và lấy ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia trong báo cáo cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được các bộ, ngành ở Trung ương cho ý kiến, đã lấy ý kiến tham vấn của UBMTTQVN và cơ bản được Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ban soạn thảo đã gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch với đầy đủ các Hồ sơ liên quan theo quy định: Báo cáo quy hoạch (báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt), báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo giải trình các ý kiến góp ý, hệ thống bản đồ thể hiện nội dung quy hoạch, dự thảo quyết định của Quốc hội kèm theo. Cấu trúc Báo cáo QHTTQG đã thể hiện được đầy đủ nội dung theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cần phải có trong một bản quy hoạch. Các số liệu, dữ liệu được sử dụng để phân tích, đánh giá trong báo cáo QHTTQG tương đối đầy đủ, chi tiết, có cập nhập đến thời gian gần nhất; các tài liệu dẫn chứng, trích dẫn khá phong phú, kể cả kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia… làm cơ sở cho việc đề xuất các phương hướng phát triển và các giải pháp thực hiện trong thời kỳ quy hoạch.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tạiHội nghị. Nguồn: MPI |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời tái khẳng định công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm, do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
Thủ tướng đề nghị cần làm rõ hơn quy hoạch khác với Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để cụ thể hóa thành quy hoạch bảo đảm, khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, kiểm tra. Đồng thời, phải đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn; phải có số liệu cụ thể.
Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực là quan trọng và đột phá, đồng thời chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…
Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng Quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển về nội dung này.
Về xác định các ngành mũi nhọn, Thủ tướng đề nghị phải bám sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…
Việc xây dựng Quy hoạch phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh đến mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch; các nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.
Để thực hiện quy hoạch, Thủ tướng đề cập đến thức huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài; đồng thời nhấn mạnh yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư