Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/09/2022-09:41:00 AM
Thúc đẩy hợp tác, khuyến khích đầu tư giữa các nước khối ASEAN
Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ nhằm tạo cơ hội tăng hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp ASEAN, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Các doanh nghiệp trao đổi kết nối giao thương trong khuôn khổ Nhịp cầu ASEAN++. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 9/9, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh (HAWEE) tổ chức diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề: "Kết nối để phát triển bền vững."

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp cùng đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia khu vực ASEAN và các quốc gia đối tác quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề "Kết nối để phát triển bền vững" là diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác, khuyến khích đầu tư giữa các nước khối ASEAN++; đồng thời, tạo nên cơ hội kết nối để phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững trong dài hạn cho cộng đồng doanh nghiệp khu vực.

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, sau đại dịch COVID-19, ngoài những tổn thương về mặt xã hội thì sự đứt gãy của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và các kết nối giao thương là những điểm cốt lõi cần được hàn gắn.

Đó là thách thức và cũng là thời cơ mà các doanh nghiệp tận dụng để tái cấu trúc, kết nối nội tại, tự nối liền các đứt gãy trong chính chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng phần nào nguồn cung trong và ngoài nước.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việc đẩy mạnh kết nối, hợp tác thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được các ưu thế của nhau như: kinh nghiệm, thương hiệu, sản phẩm, thậm chí nguồn khách hàng. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực và quốc tế.

“Kết nối để cùng nhau phát triển là mục tiêu trước mắt nhưng kết nối để phát triển bền vững” là đích đến tất yếu của xu thế, giúp doanh nghiệp hướng tới việc tạo ra lợi nhuận cùng lúc với việc tạo ra tác động tích cực đến xã hội, cộng đồng và môi trường sống.

Người tiêu dùng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ tại các thị trường phát triển có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp được đánh giá là bền vững. Những nguồn vốn đầu tư cũng được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh tạo ra tác động tích cực. Do vậy, phát triển bền vững trở thành là yếu tố tối quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp”- bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Theo bà Phan Thị Thắng, các quốc gia trong khu vực ASEAN++ là đối tác quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động ngoại thương, chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu và 44% kim ngạch nhập khẩu của Thành phố; việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mục tiêu phục hồi kinh tế năm 2022, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6-6,5% và tăng tốc phát triển trong 3 năm 2023-2025 để đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8%/ năm trong cả giai đoạn 2021-2025 đang là thách thức lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, trước xu hướng phát triển kinh tế bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Các ý kiến tham luận từ doanh nghiệp, chuyên gia không chỉ dừng lại ở nội dung nghị sự mà phải biến thành chương trình hành động của mỗi doanh nghiệp, thành chương trình hoạt động của các sở, ngành và điều hành của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình chỉ đạo, thúc đẩy cho kinh tế thành phố tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Về tiềm năng phát triển của khu vực ASEAN, bà Ng Jiak See, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Dịch vụ Tư vấn Tài chính, Deloitte châu Á-Thái Bình Dương, nhận định: ASEAN là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư và thương mại. Minh chứng là trong thập kỷ qua, ASEAN đã phát triển nhanh chóng, phần lớn nhờ vào vị trí địa lý độc nhất và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nếu xét ASEAN là một thị trường hợp nhất, khu vực này hiện nay là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với tổng giá trị đạt 3.200 tỷ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Hơn nữa, khu vực này còn đang trên lộ trình trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030, vượt qua cả Nhật Bản.

ASEAN sẽ một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư đang phát triển, mở rộng trên phạm vi toàn cầu nhờ vào thực tế vấn đề thu hút đầu tư được quan tâm, vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng thực hiện các hoạt động kinh doanh, có ưu đãi thuế và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Mặc dù chịu tác động của COVID-19, vào năm 2021, dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã đạt mức trước đại dịch, 175 tỷ USD.

Theo bà Ng Jiak See, xu hướng thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư tại ASEAN được tác động bởi sự dịch chuyển địa chính trị; tiến bộ công nghệ; các cam kết và năng lực của ASEAN về vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Để có thể phát huy những lợi thế đang có vào việc phát triển bền vững, các nước ASEAN cần hành động ngay bây giờ, chung tay hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp bởi đây là thời điểm có tính quyết định.

Nếu để tình trạng biến đổi khí hậu không kiểm soát diễn ra, nền kinh tế ASEAN sẽ bị thiệt hại lên đến 28.000 tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) trong vòng 50 năm tới.

“Nếu hành động ngay bây giờ, ASEAN có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế khai phá những tài sản bền vững, từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thành một nền kinh tế phát thải thấp. Việc gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững cũng giúp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn. Đây sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục,” bà Ng Jiak See chia sẻ./.

Xuân Anh
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 423
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)