6 yếu tố cốt lõi làm nền tảng xây dựng Tầm nhìn ASEAN gồm định hướng hành động; bền vững; mạnh dạn, táo bạo và đổi mới; thích ứng và chủ động, nhanh nhẹn và kiên cường; bao trùm, tham gia và phối hợp.
|
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 nhằm thiết lập chương trình nghị sự mới rõ ràng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, thích ứng với những tiến bộ công nghệ, thay đổi địa chính trị và chuyển đổi kinh tế vốn đang làm thay đổi trật tự toàn cầu hiện nay.
Trong thông cáo ngày 7/3, quan chức Bộ Điều phối Kinh tế IndonesiaNetty Muharni nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để ASEAN làm việc hướng tới một khu vực đổi mới, năng động, thích ứng hơn và khuyến khích tăng trưởng bền vững.”
Theo bà Netty, xây dựngTầm nhìn ASEAN sau năm 2025là nội dung thảo luận chính tại cuộc họp Nhóm công tác về Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025 (WG-AP) được tổ chức vào ngày 2/3 vừa qua tại đảo Belitung.
WG-AP bao gồm các quan chức cấp cao đại diện cho các nước thành viên ASEAN, và Vụ trưởng Giám sát và Hội nhập thuộc Ban Thư ký ASEAN. Cuộc họp ngày 2/3 là cuộc họp WG-AP đầu tiên dưới sự chủ trì của Indonesia.
Hiện 6 yếu tố cốt lõi đã được thống nhất làm nền tảng xây dựng Tầm nhìn ASEAN bao gồm định hướng hành động; bền vững; mạnh dạn, táo bạo và đổi mới; thích ứng và chủ động, nhanh nhẹn và kiên cường; bao trùm, tham gia và phối hợp.
Bà Netty cho hay 6 yếu tố cốt lõi trên dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo ASEANthống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra vào tháng 5 tới tại khu nghỉ dưỡng Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia.
Một số yếu tố mới cũng sẽ được đưa vào tài liệu này nhằm dự báo và hỗ trợ hội nhập kinh tếtrong tương lai, bao gồm y tế, các xu hướng lớn toàn cầu, kinh tế sáng tạo, phát triển bền vững, số hóa, và hợp tác với các đối tác ASEAN.
Cơ chế giám sát và đánh giá là chìa khóa quan trọng cả trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động hoặc chương trình sẽ được thống nhất. Trong đó, sự phối hợp và phương thức tham vấn của tất cả các bên liên quan trong quá trình chuẩn bị tài liệu này có ý nghĩa rất quan trọng.
Cũng theo bà Netty, ba cách tiếp cận sẽ được tiến hành, bao gồm khảo sát, thảo luận nhóm tập trung, và phỏng vấn sâu. Để phục vụ cho công tác này, Ban Thư ký ASEAN đã được yêu cầu xây dựng cơ chế thể chế rõ ràng bao gồm các vấn đề liên ngành hoặc liên trụ cột./.