Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2022-15:23:00 PM
Phiên họp Chính phủ chuyên đề thảo luận về xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô
(MPI) - Ngày 22/9/2022 đã diễn ra phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu

Tại phiên họp, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về các trọng tâm điều hành trong lĩnh vực phụ trách liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trọng tâm điều hành việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới cùng tác động của dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị, thiên tai, lũ lụt, hạn hán và nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực... đã chuyển nhiều vấn đề ngắn hạn trở thành vấn đề trung và dài hạn, kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách nhanh hơn, mạnh hơn, nhất là chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.

Các chính sách này sẽ tác động dây chuyền đến tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường... của các quốc gia khác, đặc biệt liên quan đến lạm phát, dòng vốn và cán cân thanh toán quốc tế, thị trường tiền tệ, nguồn cung và chi phí đầu vào sản xuất, đầu tư nước ngoài... làm suy yếu động lực phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và các cân đối lớn của nhiều quốc gia trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, Việt Nam vẫn duy trì và giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực; cộng đồng quốc tế ghi nhận và có chung đánh giá cao với những kết quả đạt được cho đến nay.

Tuy nhiên, áp lực và khó khăn, thách thức nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngày càng gia tăng, những vấn đề này đã được xác định tại các Phiên họp của Chính phủ.

Về trọng tâm điều hành những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, báo cáo nêu rõ: thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, 24/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới.

Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế cần dựa vào chính sách tài khóa, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong những tháng cuối năm 2022.

Chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động thích ứng với diễn biến lạm phát, tỷ giá; vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa việc rút vốn ra khỏi Việt Nam. Tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh tâm lý kỳ vọng.

Về chính sách tài khóa trong những tháng cuối năm 2022 cần tập trung triển khai, giải ngân hết số vốn của các chính sách đã ban hành; đánh giá khả năng thực hiện dự toán NSNN năm 2022, dự báo bối cảnh tình hình 2023, xây dựng kịch bản đám bảo thực hiện thành công dự toán thu - chi NSNN. Nghiên cứu đề xuất kịp thời chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Về đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 124/NQ-CP, coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong 4 tháng cuối năm 2022, phấn đấu giải ngân 95-100% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Chuẩn bị sớm tất cả các điều kiện để khởi công, thực hiện được các dự án ngay từ đầu năm 2023, không được để chậm chễ.

Báo cáo cũng đưa ra các chính sách về thương mại, sản xuất; Chính sách về giá; Chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực, cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường dầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động để phát huy nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để giảm bớt áp lực huy động vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị khá kỹ và báo cáo rõ những vấn đề trọng tâm về điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thống nhất cao nội dung báo cáo và kiến nghị của các bộ, ngành; nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm về bối cảnh tình hình tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Đồng thời nhấn mạnh đến mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ thống nhất định hướng chỉ đạo điều hành: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phương châm chỉ đạo điều hành: Không mất bình tĩnh, hoang mang, dao động. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải chủ động nắm tình hình, bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh để tỉnh táo xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Càng áp lực cao, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, cố gắng, "biến nguy thành cơ"; xác định công việc trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên hợp lý, linh hoạt, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm chỉ đạo điều hành và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng: Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; Giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường; Kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; Kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; Tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến định hướng chính sách vĩ mô; Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm đạt được mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn về: tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin… Làm tốt công tác quy hoạch, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương.

Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thể chế, pháp luật; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Đây chính là những yếu tố nền tảng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1159
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)