Quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Việt trong năm 2012 tiếp tục là một điểm sáng, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn ở cả hai nước.
|
Hoàn chỉnh sản phẩm may xuất khẩu
|
Trong năm nay, kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ - Việt Nam tăng chậm hơn so với các năm trước và chỉ tăng khoảng 15-16%, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam .
Tổng thương mại hai chiều năm 2012 dự kiến đạt từ 22,3 tỷ USD đến 24 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 11 tháng đầu năm nay đạt khoảng 17,9 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ khoảng 4,4 tỷ USD.
Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ là thuộc những ngành nghề cần nhiều lao động như dệt may, giày dép và hải sản.
Năm 2012 cũng đánh dấu 10 năm xảy ra sự kiện tranh chấp thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ về cá basa. Cuối năm 2012, phía Mỹ cũng đã có các vụ kiện hay điều tra bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam như tuốcbin gió, mắc áo bằng thép.
Tháng 3/2012, Bộ Thương mại Mỹ công bố quyết định về đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ bảy (POR-7) đối với cá tra philê nhập khẩu từ Việt Nam, lấy Bangladesh là nước thay thế duy nhất trong tính toán biên độ phá giá.
Trong năm Việt Nam, Mỹ và các quốc gia khác đã hoàn tất vòng đàm phán thứ 15 về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Mỹ đang thúc đẩy để sớm hoàn tất ký kết hiệp định này.
Hợp tác về giáo dục, đào tạo tiếp tục được cả hai bên coi trọng và đẩy mạnh. Theo thống kê của phía Mỹ, số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học của Mỹ niên khóa 2011-2012 tăng 4,6%, từ hơn 14.000 lên 15.572 người.
Hiện Việt Nam xếp thứ 8 trong danh sách các nước có nhiều sinh viên sang Mỹ du học nhất.
Về quyền sở hữu trí tuệ, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 3/5 đã công bố báo cáo thường niên và xếp Việt Nam vào danh sách 27 nước cần theo dõi.
Bản báo cáo 2012 của USTR ghi nhận một số cố gắng của Việt Nam trong năm 2011, nhưng cảnh báo rằng hiện tượng vi phạm bản quyền trên diện rộng và nạn hàng giả trên thị trường vẫn rất đáng quan ngại và có xu hướng gia tăng qua đường Internet./.