Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/10/2022-16:06:00 PM
Nghị quyết số 128/NQ-CP tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội
(MPI) - Tại Tọa đàm "Nghị quyết số 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" diễn ra chiều ngày 05/10/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, kết quả tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng vừa được công bố; những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với quan điểm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn

Nền kinh tế p​hục hồi rõ nét

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai đến nay đã tròn một năm và đây là Nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước.

Thời điểm cuối tháng 9/2021, khi Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kết quả tăng trưởng GDP, mức giảm rất sâu, -6%. Nguyên nhân bởi khi đó chúng ta kiểm soát dịch bệnh bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 thời điểm đó.

Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương và từ đó cho đến nay, bước sang quý III/2022, cùng với Nghị quyết 128/NQ-CP là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.

Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét và sự phục hồi đó được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Mới đây, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm 2022 với con số tăng trưởng GDP là 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. GDP bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.

Quyết liệt, sát sao đến tất cả các lĩnh vực

Chia sẻ về những ấn tượng trong cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, với kết quả nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này, rất nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia cũng đã nhận định một cách khách quan, đánh giá cao về cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ khi đối phó với dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và sự sát sao đến tất cả các vấn đề, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó ngành Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên được Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo sát sao và giám sát đến kết quả cuối cùng.

Ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng rất quan tâm với việc giải ngân và liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bằng rất nhiều cuộc họp trực tuyến. Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, thành lập các tổ công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động giải ngân.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, kịp thời, linh hoạt và liên tục nhắc nhở và chỉ đạo phải nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu để ban hành chính sách kịp thời, hiệu quả. Từ quan điểm đó dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất linh hoạt và hiệu quả. Nghị quyết 128/NQ-CP là bằng chứng rõ nét nhất từ việc nắm chắc tình hình thực tế trên cơ sở thực tiễn, lợi thế và các kết quả có sẵn để chúng ta điều chỉnh chính sách kịp thời.

Liên quan đến các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam thời gian vừa qua như giá cả hàng hóa, xăng dầu, lạm phát, các điều chỉnh lãi suất của Fed… Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phải nắm chắc, nắm rõ để tham mưu cho Chính phủ các điều chỉnh chính sách phù hợp nhất để đạt mục tiêu dài hạn, lâu dài tạo nền tảng kinh tế phục hồi vững chắc.

Theo đó, nhiều chính sách, nghị quyết ban hành vừa qua đã cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ví dụ như Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành, kết quả giải ngân đã tăng lên nhiều so với trước đó.

Duy trì ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế

Về những giải pháp trong việc thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh,trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến duy trì ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế chủ động, thiết thực và sâu rộng.

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn là quan điểm xuyên suốt, dài hạn, thể hiện ở rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Bởi lẽ, đây là điều kiện mang tính tiên quyết, nền tảng để có thể triển khai các giải pháp khác trên tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt gắn với mục tiêu dài hạn của đất nước là phát triển nhanh, bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề cập đến các thành tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thứ nhất là, phải xây dựng năng lực nội tại của nền kinh tế để đạt mục tiêu tự lực, tự cường, đủ năng lực phát triển, chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.

Thứ hai là, làm chủ công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra rất mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, quốc gia nào làm chủ về công nghệ thì sẽ chiến thắng và giữ thế chủ động trong rất nhiều vấn đề. Để thực hiện được nội hàm của thành tố này có rất nhiều đề án, kế hoạch của Chính phủ đề ra và đang triển khai rất quyết liệt về chuyển đổi số, kinh tế số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo…

Thứ ba là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng được độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải có vị thế, vai trò trong môi trường quốc tế, hay nói cách khác là phải tham gia và làm chủ cuộc chơi.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế là điều kiện tiên quyết và mọi thành phần, thành viên trong nền kinh tế đều được hưởng nếu đạt được mục tiêu này.

Về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, các định hướng đề ra trong dài hạn đã tác động trực tiếp đến các cấp, các ngành, các địa phương, dần dần bồi đắp nhận thức và ý thức về vấn đề này. Mỗi cơ sở, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đều có kế hoạch, giải pháp riêng để thực hiện mục tiêu hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Các khách mời tham gia Tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn

Kịp thời điều chỉnh chính sách, thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững

Phát biểu tại Tọa đàm, ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Việt Nam đánh giá về sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư nói chung và với các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động quan tâm đến những quan ngại cũng như sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp, bao gồm ý kiến từ các doanh nghiệp FDI và cả AmCham, ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Việc đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và Chính phủ có vai trò quan trọng tạo nên những cơ hội để giải quyết các vấn đề và kịp thời điều chỉnh chính sách hướng đến các ưu tiên chung của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Nghị quyết 128/NQ-CP phản ánh sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam; có ý nghĩa to lớn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các công ty FDI khi đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI và AmCham”, ông John Rockhold nói.

Trải qua hơn 2 năm phòng chống dịch 2020-2021 và 9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ và tác động lớn đến trong nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1189
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)