Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/07/2007-08:43:00 AM
Đưa Vùng Kinh tế trọng điểm Miền trung trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước

Đó là một trong những nội dung của Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020 vừa được Bộ Công nghiệp phê duyệt theo Quyết định 29/2007/QĐ-BCN. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng của vùng đạt 13,5%.
Quyết định nêu rõ quan điểm phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững, phát huy được lợi thế của từng tỉnh trong vùng. Hình thành được một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Quy hoạch ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim thành ngành công nghiệp chủ lực
Phát triển công nghiệp cơ khí và luyện kim thành ngành công nghiệp chủ lực của Vùng, từng bước trang bị các máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến; tăng cường liên kết sản xuất các linh kiện, phụ kiện; từng bước hội nhập vào tiến trình phân công sản xuất quốc tế. Phát triển điện tử-tin học thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Vùng; đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tàu trong lĩnh vực phát triển công nghệ phần mềm và tạo mạng lưới liên kết với các địa phương trong vùng sản xuất máy tính, thiết bị văn phòng, điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông,... và các dịch vụ khác nhằm đáp ứng 70-85% nhu cầu của toàn Vùng.
Theo Quyết định đã được phê duyệt, đầu tư phát triển ngành dệt may, da giầy theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại, hướng vào khâu thiết kế, tạo mẫu mốt, sản phẩm cao cấp. Chú trọng phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu và phụ tùng cho ngành. Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở những ngành nghề truyền thống, có lợi thế về lao động, tài nguyên trên địa bàn, chú trọng các vùng nông thôn đang đô thị hóa, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đến năm 2020, mở rộng và xây dựng thêm 22 nghìn ha các khu cụm công nghiệp
Trong giai đoạn đến năm 2015, 2020, dự kiến mở rộng và triển khai xây dựng thêm khoảng 22 nghìn ha các khu cụm công nghiệp. Hình thành mối liên kết theo tuyến các khu công nghiệp trong các khu kinh tế lớn như: Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, đẩy mạnh xuất khẩu, như công nghiệp phục vụ cảng, vận tải biển, chế biến hàng xuất khẩu, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp hàng tiêu dùng...
Quyết định nêu rõ, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình Quy hoạch nói trên trong giai đoạn 2006-2015 khoảng 131.039 tỷ đồng, trong đó vốn cho các ngành công nghiệp khoảng 98.539 tỷ đồng; cho cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp khoảng 28.500 tỷ đồng; điện, nước khoảng 4.000 tỷ đồng.
Quyết định cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu về quản lý, vốn, đất đai, công nghệ... Cụ thể, hình thành một số khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp cao, khu công nghiệp hỗ trợ, một số trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu chuyên ngành. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chú trọng các nguồn vốn của doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ cổ phần hóa doanh nghiệp, nguồn FDI, vay vốn... Kết hợp lồng ghép giữa các nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả sử dụng. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, khuyến khích tư nhân đầu tư sản xuất thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục thành lập, tiếp cận mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, thông tin. Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành then chốt như cơ điện, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới cho các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm, các ngành nghề mới./.
Phương Mai
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1272
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)