(MPI) - Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn |
Báo cáo được xây dựng công phu, chi tiết; các nhận định, đánh giá cơ bản đã bám sát Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay; tiếp thu tối đa theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội tại phiên họp thẩm tra; thể hiện sự chủ động, công tác phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.
Về thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng do có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kết quả tốt đẹp của hội nhập quốc tế, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số nội dung về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; Xây dựng dự toán thu, chi NSNN; việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ; Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế;...
Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu theo Báo cáo của Chính phủ, theo đó kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn; rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm quốc gia.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và đề nghị tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội và các giải pháp điều hành mà Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023. Ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2023. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã phân tích trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; chính sách tài khóa, nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô; chính sách an sinh xã hội; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước; ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Sớm hoàn thành trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành kịp thời các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ban hành quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn; sớm ban hành giá mua điện mới đối với điện gió. Nghiên cứu cơ chế phân cấp cho các địa phương mạnh hơn nữa về lĩnh vực đầu tư. Rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương
Đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để thực chất tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng nội lực, bằng những điểm mạnh vượt trội so với các quốc gia khác.
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư