(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong hai ngày 27-28/10/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận 3 nội dung. Thứ nhất, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Thứ hai, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022; dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý. Thứ ba, tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2014 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, các gợi ý thảo luận các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị, tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách. Các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi; khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh việc phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch điện VIII; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; xử lý các dự án thua lỗ các ngân hàng yếu kém. Đồng thời, tập trung thảo luận các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ, những nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và Chính phủ.
Tại phiên thảo luận đã có 42 đại biểu phát biểu, 07 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đánh giá sâu sắc và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội và cho rằng, các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ; nội dung báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Ý kiến của các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát hiệu quả, tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực. Việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả đạt được khá cao.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; việc giải ngân vốn đầu tư công; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thực trạng biến đổi khí hậu; xử lý các dự án kém hiệu quả; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, xăng dầu;…
Các đại biểu Quốc hội đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong thời gian tới, cụ thể là về ứng phó với tình trạng lạm phát; công khai, linh hoạt các kịch bản điều hành lãi suất; dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ; có giải pháp tránh thâm hụt cán cân thương mại; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng công nghệ số./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư