Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2022-10:12:00 AM
Kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực
(MPI) - Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 diễn ra ngày 29/10/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm; triển khai Chương trình phục hồi và cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bám sát tình hình, kịp thời, linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, điều chỉnh hài hòa tỷ giá, lãi suất ở mức hợp lý, tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 10, Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công tốt đẹp, quyết định nhiều chủ trương, định hướng, nội dung quan trọng của Đảng và đất nước; Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được khai mạc để xem xét, cho ý kiến, quyết nghị các mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của kế hoạch năm 2023, cơ chế, chính sách, pháp luật quan trọng của nền kinh tế, được cử tri cả nước quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Một số chỉ tiêu, kết quả nổi bật như nơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, giảm bớt áp lực giá cho doanh nghiệp, người dân; chủ động điều hành giá điện, xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý; giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cơ bản bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Đến ngày 25/10 tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước; điều hành tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; hoạt động khai thác thủy sản trong tháng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng tiếp tục phục hồi trở lại , bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước.

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế trong 10 tháng qua cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là do tác động của bối cảnh tình hình thế giới, trong nước ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức ngày càng nhiều hơn thuận lợi. Cụ thể như tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19. Bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức đã tác động tiêu cực và gây thêm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước.

Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và nhiều quốc gia. Dư địa điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng hạn chế, việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm, chưa phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa.

FDI đăng ký cấp mới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ; dự báo cả năm mặc dù đạt tương đương năm 2021, nhưng còn khoảng cách so với năm trước dịch 2019; ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

Khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; bên cạnh lạm phát thì mối quan tâm đang có xu hướng chuyển dịch sang cả các lĩnh vực khác như bảo đảm an toàn tài sản, vốn đầu tư... Yêu cầu các giải pháp điều hành phải linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan, địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp thích ứng linh hoạt, kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phát huy tinh thần chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý các vấn đề vướng mắc; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Theo đó, trọng tâm chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cuối năm là lĩnh vực tiền tệ, chủ động, linh hoạt, kịp thời, thích ứng hiệu quả với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và kịp thời điều chỉnh để nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ-tài khóa; kết hợp hài hòa công cụ lãi suất và tỷ giá để điều chỉnh ở mức độ hợp lý; thông tin truyền thông về diễn biến tiền tệ cần thận trọng, tránh tâm lý kỳ vọng đầu cơ, tích trữ ngoại tệ, kỳ vọng lạm phát…

Các chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu và các chính sách khác là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, đặc biệt những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược; có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán 2023./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3614
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)