Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2022-14:21:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của tỉnh Thái Bình

TÌNH HÌNH KINH TẾ

Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong thángchủ yếu tập trung vào thu hoạch các cây trồng vụ Mùa và gieo trồng cây vụ Đông đảm bảo đúng khung thời vụ; chăn nuôi trâu, bò, gia cầm nhìn chung ổn định;chăn nuôilợn tiếp tụcgặp khó khăntrong việc duy trì và mở rộng quy mô đàn lợn do chi phí thức ăn chăn nuôi khá cao.

Nông nghiệp

Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa 2022 đạt 91.462 ha, giảm 941 ha (-1,02%) so với vụ Mùa năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng lúa Mùa đạt 76.006 ha, giảm 658 ha (-0,86%) so với vụ Mùa năm 2021. Diện tích lúa giảm chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng từ cấy lúa sang trồng cây hàng năm khác, chuyển sang đất phi nông nghiệp như làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển sang trồng cây lâu năm. Thời điểm lúa mùa trỗ bông khoảng từ 05/9 đến ngày 15/9, lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đã được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Chăn nuôi

Trong tháng, chăn nuôi trâu bò và gia cầm ổn định và phát triển tốt.

Chăn nuôi trâu, bò:Tính chung 10 tháng năm 2022 sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 8.491 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 727 tấn, tăng 2%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.764 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi lợn:Hoạt động phát triển đàn lợn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt, tuy nhiên quy mô tái đàn nuôi vẫn còn cầm chừng do giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2022 ước đạt 135,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Chăn nuôi gia cầm:Trên địa bàn tỉnh phát triển đàn gia cầm chủ yếu vẫn theo quy mô nông hộ. Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại phát triển tương đối tốt do người chăn nuôi chuẩn phục vụ cho các nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2022 ước đạt 55,1 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 44,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng trứng gia cầm đạt 273,1 triệu quả, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thuỷ sản

Tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản trong tháng duy trì ổn định, khai thác thủy sản khôi phục và duy trì tốt do giá xăng dầu đang giảm. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng năm 2022 ước đạt 229,2 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Khai thác:Sản lượng khai thác 10 tháng năm 2022 ước đạt 83,1 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 55,4 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 26 nghìn tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ.

Nuôi trồng:Sản lượng nuôi trồng thủy sản 10 tháng năm 2022 ước đạt 146 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 36,8 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 104,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2022 tăng 2,7% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính 10 tháng năm 2022 tăng 12,1% so với năm 2021; trong đó ngành Khai khoáng tăng 54,5%, Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,4%, Sản xuất và phân phối điện đạt 90,9%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 96,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm túi khí an toàn (+45,5%); tai nghe khác đạt 15,4 triệu cái, tăng 75,9%; Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng tăng 41,2%; sản phẩm áo sơ mi người lớn tăng 32,4%. Ở chiều ngược lại, sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc thô (-51,3%); sản phẩm loa (-47,0%); thép cán (-14,7%) …

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến tháng 10/2022 giảm 0,5% so tháng trước, cộng dồn 10 tháng giảm 5,2% so cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tính đến tháng 10/2022 tăng 8,7% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 3,9%.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 10/2022 tăng 1,2% so tháng trước và cộng dồn 10 tháng tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2021.

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 10/2022 ước đạt 890 tỷ đồng, tăng 11,7% so tháng trước và tăng 66,5% so cùng kỳ năm 2021. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 380 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 14,8% so cùng kỳ; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 241 tỷ đồng, tăng 26,7% so cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 381 tỷ đồng, tăng 156,9 % so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 129 tỷ đồng, tăng 133,8% so cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 5.544 tỷ đồng, tăng 36,4% so cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.632 tỷ đồng, tăng 12,9%; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 1.665 tỷ đồng tăng 8,5%; vốn ngân sách Nhà nước huyện ước đạt 2.071 tỷ đồng, tăng 81,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 841 tỷ đồng, tăng 42,3% so cùng kỳ.

Một số dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách, dự kiến trong tháng 10:

Dự án HTDC Đồng Rộc thị trấn Tiền Hải và Xã Tây Giang, vốn đầu tư 103 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 2,4 tỷ đồng;

Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 131 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 27 tỷ đồng;

Dự án Quy hoạch và xây dự cơ sở hạ tầng KDC Bắc Đồng Đầm thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư gần 123 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 12 tỷ đồng;

Dự án nâng cấp cải tạo đường 221B Xã Nam Hải- Nam Trung, huyện Tiền Hải vốn đầu tư gần 55 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 9 tỷ đồng;

Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý Giai đoạn II huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 9 tỷ đồng;

Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn từ đê biển Sông Hồng đến UBND xã Nam Hải, vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 6 tỷ đồng;

Dự án xây dựng từ đường 221A đi xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, vốn đầu tư gần 28 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 7 tỷ đồng;

Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Hồ Chí Minh xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 69 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 10 tỷ đồng;

Dự án cải tạo nâng cấp đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 13 tỷ đồng;

Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 15 tỷ đồng;

Dự án nâng cấp cải tạo đường 464 (đường 221D), đọa từ xã Đông Xuyên đến đường ven biển xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt hơn 22 tỷ đồng;

Dự án hạ tầng khu dân cư khu độ thị OĐT-8B Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, vốn đầu tư gần 86 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 3 tỷ đồng;

Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 5 từ đê sông Diêm Hộ đến đường quy hoạch số 2 huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 231 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt gần 4 tỷ đồng;

Dự án xây dựng xây dựng đường 454 đoạn từ ngã 3 Tịnh Xuyên Hồng Minh đi Thị trấn Hưng Hà, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 10 tỷ đồng;

Dự án san lấp hạ tầng KCN xã Thống Nhất, vốn đầu tư 195 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 40 tỷ đồng;

Dự án nâng cấp đường huyện 61-67 đoạn xã Phúc Khánh đi xã Hòa Tiến huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 10 tỷ đồng;

Dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hưng Nhân huyện Hưng Hà mở rộng, vốn đầu tư 210 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 50 tỷ đồng;

Dự án xây dựng Trạm biến áp 110 Hưng Hà 2 xã Bắc Sơn, vốn đầu tư 115 tỷ, dự kiến tháng 10 đạt 40 tỷ đồng;

Dự án xây dựng đường huyện 71 đi cụm công nghiệp Bắc Sơn, xã Bắc Sơn huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 77 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 10 tỷ đồng;

Dự án xây dựng tuyến đường quốc lộ 39 đến đường huyện 65 huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 79 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 10 tỷ đồng;

Dự án cải tạo đường điện 110Kv đường Hưng Hà 2 đi Phố Cao, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến thấng 10 đạt 15 tỷ đồng;

Dự án xây dựng nhà khám chữa bệnh BVĐK Đông Hưng, vốn đầu tư gần 62 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 đạt 6 tỷ đồng.

Tình hình đăng ký kinh doanh

Tính đến đầu tháng 10/2022 đã cấp 879 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 8.816 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 427 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 81 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 80 doanh nghiệp.

Trong tháng 10/2022 có 01 dự án trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới do Hồng Kông đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, gia công, in ấn tem mác, bảng tên, các sản phẩm cắt theo khuôn thuộc chi tiết, bộ phận linh kiện điện tử với tổng giá trị 2.000 nghìn USD. Tính chung 10 tháng trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 67.820 nghìn USD.

Thương mại, dịch vụ và giá cả

Tình hình thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 10/2022 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm giá nhiên liệu biến động tăng do tác động xung đột quân sự và chính trị giữa một số quốc gia tác động tới giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong nước. Đến thời điểm tháng 9 nhiều dịch vụ ăn uống ngoài gia đình đã áp dụng tăng giá 15-20% do chi phí sản xuất tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 48.593 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 42.742 tỷ đồng (chiếm 88% tổng mức), tăng 17,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 3.192 tỷ đồng (chiếm 6,5% tổng mức), tăng 40,9%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.660 tỷ đồng (chiếm 5,5% tổng mức), tăng 18,6% so với cùng kỳ.

Giá tiêu dung

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2022 tăng 1,41% so với tháng trước; tăng 5,22% so với cùng tháng năm trước; tăng 5,43% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm có chỉ số giá tăng, 6 nhóm ổn định so tháng 9/2022. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 10:

Giá lợn hơi giảm, kéo theo giá thịt lợn thành phẩm giảm, lượng thịt lợn hơi dồi dào và chủ yếu tiêu thụ nội địa trong tỉnh.

Nhóm giao thông giảm 2,66%, do tác động của giá xăng dầu giảm vào ngày 4/10, bên cạnh đó ngày 12 và 22/10 giá xăng dầu lại tăng trở lại. Nguồn cung xăng dầu đang bị gián đoạn do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng xuất hàng do ảnh hưởng bởi bão. Mặc dù giá dầu thô thế giới không tăng nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng từ 200 đến 840 đồng/lít, nguyên nhân một phần do tỷ giá USD/VND tăng nên ảnh hưởng đến giá bán lẻ, đồng thời các nước khu vực châu Âu có xu hướng tăng mua dầu diezen và dầu hỏa phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm và phát điện vào mùa đông, dẫn đến nguồn cung khan hiếm làm cho giá dầu diezen và dầu hỏa thành phẩm tăng cao hơn so với các mặt hàng xăng.

Thời tiết trong tháng mưa kéo dài tác động trực tiếp đến cây trồng, nhiều diện tích rau màu bị ảnh hưởng, đẩy giá rau tăng mạnh.

Chỉ số nhóm giáo dục tăng mạnh do đã áp dụng mức học phí năm học 2022-2023 tại một số cấp học:chính sách tự chủ kinh phí giáo dục mầm non tư thục tăng 15,29%; chỉ số giá giáo dục cao đẳng tăng, chỉ số giá giáo dục đại học tăng theo Nghị quyết số 36/NQ- HDYDTB ngày 22/6/2022 của Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình về việc thông qua mức thu học phí, kinh phí đào tạo năm học 2022-2023, giáo dục cao đẳng tăng 28,57% và giáo dục đại học tăng 113,51%.

CPI bình quân 10 tháng tăng 2,02% so với cùng kỳ năm. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%; nhóm bưu chính viễn thông ổn định; còn lại 9 nhóm có chỉ số tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 15,59% do giá xăng dầu tăng; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 3,83%; chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,72% do giá vật liệu xây dựng tăng; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giấy dép tăng 0,41%; chỉ số nhóm văn hóa và giải trí du lịch tăng 0,26%; chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.

Xuất nhập khẩu hàng hoá

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 304 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 13,4% so với cùng kỳ. Dự tính 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.874 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 15,1% so với cùng kỳ; nhập khẩu tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.047 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 1.234 triệu USD, tăng 31%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 813 triệu USD, giảm 2,8%. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm gỗ tăng 43,7%; hàng hóa khác tăng 41,6%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 33,4%; hàng dệt may tăng 28,9%; sản phẩm từ sắt thép tăng 26,5%; hàng thủy sản tăng 24,5%;... ngược lại một số sản phẩm giảm mạnh như: Sắt thép giảm 93,1%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 45,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 33,4%; xơ, sợi dệt các loại giảm 10%.

Nhập khẩu

Dự tính 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.828 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 1.333 triệu USD, tăng 60,4% chủ yếu do nhập khẩu xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (38,3%) có tốc độ tăng cao (+97,5%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 495 triệu USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ chủ yếu do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm mạnh. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ như: Xơ, sợi dệt các loại (+1,1 lần); xăng dầu các loại (+97,5%); hàng thủy sản (+27,6%); vải các loại (+18,3%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (+13%);... ngược lại một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép (-71,5%); chất dẻo nguyên liệu (-31,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử (-18,9%); bông các loại (-10,5%);...

Hoạt động vận tải

Tổng doanh thu hoạt động vận tải tháng 10/2022 ước đạt 629 tỷ đồng tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 39,8% so với cùng kỳ. Dự tính 10 tháng năm 2022 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 5.932 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Hoạt động vận tải hành khách đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 43,3%; hoạt động vận tải hàng hóa đạt 4.221 tỷ đồng, tăng 22,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 62,7 tỷ đồng, tăng 18,4%.

Vận tải hành khách

Tính chung 10 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 22,0 triệu người, tăng 40,1%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 2.490 triệu người.km, tăng 41,6% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hoá

Tính chung 10 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 4.221 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 27%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 1.530 tỷ đồng, tăng 17,2%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 270 tỷ đồng, tăng 13,6%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 25 triệu tấn, tăng 21,7%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 9.289 triệu tấn.km, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát

Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 10/2022 ước đạt 0,7 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 67,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Tài chính, ngân hàng

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10 tháng đầu năm 2022 đạt 22.206 tỷ đồng, đạt 123% so với dự toán, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.844 tỷ đồng, tăng 14%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 2.887 tỷ đồng, tăng 85%.

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 10 tháng đầu năm 2022 đạt 12.147 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 5.589 tỷ đồng, tăng 31%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 6.241 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, của ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự kiến đến 31/8/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 101.570 tỷ đồng, tăng 7,8% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 85.700 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,69% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI

Lao động, việc làm

Theo báo cáo Sở Lao động thương binh và Xã hội, trong tháng 10/2022, có 32 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 2.400 lao động, 07 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 51 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 422 trường hợp lao động thất nghiệp. Xây dựng hướng dẫn tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm trong các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với UBND thành phố rà soát, tổng hợp tình hình lao động, việc làm đối với những doanh nghiệp thuộc diện di dời theo Đề án di dời cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực ven sông Trà Lý. Tiếp nhận, đăng ký và hướng dẫn 03 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật về lao động.

Kết quả, tháng 10/2022, toàn tỉnh có 2.300 lao động có việc làm tăng thêm, trong đó tạo việc làm tại địa phương 1.700 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 400 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 200 lao động; nâng tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm 10 tháng năm 2022 lên 32.690 lao động (đạt 99,1% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm tại địa phương 23.400 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.320 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 2.970 lao động.

Trợ cấp xã hội

Sở Lao động thương binh và Xã hội, tổ chức tập huấn cho 80 cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội tại cơ sở; tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho 100 cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội tại cơ sở. Thẩm định 02 cơ sở sản xuất kinh doach có người lao động là người khuyết tật. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho hơn 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời điểm tháng 10/2022 toàn tỉnh có 87 trường hợp tham gia chương trình Cặp lá yêu thương. Các địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Sở đã tham mưu xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quy định mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng khó khăn khác chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ được hưởng trợ giúp xã hội tại cộng đồng áp dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, xin ý kiến các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Công tác đối với người có công

Trong tháng 10/2022, Sở Lao động thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng; đã tiếp nhận và giải quyết 415 lượt thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trên 300 lượt thủ tục tiếp nhận tại bộ phận Một cửa của Sở; nâng tổng số thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trong 10 tháng năm 2022 lên 13.733 thủ tục, trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh 8.433 lượt thủ tục, tại bộ phận Một cửa của Sở 5.300 thủ tục, 100% thủ tục giải quyết đúng thời hạn, không có thủ tục trễ hạn.

Tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi thường xuyên hàng tháng đối với 61.716 lượt người có công và thân nhân theo đúng quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện các ý kiến Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết chế độ đối với người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.

Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch

Tình hình dịch bệnh Covid:Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình,Từ ngày 01/01/2022 đến 19/10/2022số trường hợp mắc mớilà 268.692 ca (cộng đồng 140.734 ca, cách ly phong tỏa 127.958 ca), 96.671 theo dõi khác tại cộng đồng. Hoàn thành điều trị/cách ly 270.875 chuyển viện Trung Ương 30, tử vong 70. Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, tính đến 17h00 ngày 19/10/2022, Thái Bình đã thực hiện 4.263.639 mũi tiêm.

Tình hình HIV/AIDS
Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, tính đến hết ngày 30/8/2022, toàn tỉnh hiện có 2.249 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 241/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 760 phụ nữ nhiễm (33,8%), 31 trẻ em nhiễm (1,37%), phát hiện mới 25 người nhiễm HIV, 08 người chết do HIV/AIDS và 05 trường hợp phơi nhiễm với HIV.

Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.421 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh heroin.

Toàn tỉnh hiện có 10/10 cơ sở điều trị HIV/AIDS (OPC) cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT, hiện đang điều trị ARV cho 1.361 bệnh nhân, trong đó có 31 trẻ em.

Công tác An toàn Vệ sinh thực phẩm

Ngành Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện mục tiêu kép bảo đảm ATVSTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là: Triển khai công tác hậu kiểm ATTP năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn tỉnh. 09 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Hoạt động giáo dục

Ngày 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức gặp mặt, vinh danh, khen thưởng em Đặng Lê Nguyên Vũ, Trường THPT Bắc Duyên Hà - quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22.

Văn hoá - Thể thao

Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, trong tháng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10; ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy 04/10; ngày Giải phóng Thủ đô 10/10; ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10; ngày truyền thống của các ngành Tổ chức xây dựng Đảng; ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam; ngày truyền thống Hội Liên hiệp Phụ nữ...; công tác phòng, chống dịch Covid-19; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn.

Thực hiện kiểm tra 04 di tích lịch sử văn hóa tại huyện Vũ Thư, Quỳnh Phụ; 05 cơ sở lưu trú tại huyện Đông Hưng, Tiền Hải. Qua kiểm tra, Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa; các cơ sở kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Tổ chức thành công Hội nghị ra mắt mô hình “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ. Tổ chức tổng kết lớp tập huấn nghiệp vụ và ra mắt mô hình hoạt động Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố tại huyện Tiền Hải và thành phố Thái Bình. Tham dự Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc với 02 tác phẩm dự thi: “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” và “Thiên duyên huyền tích”. Tổ chức thành công giải Bóng chuyền hơi - trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX năm 2022. Đoàn vận động viên Thái Bình tham dự giải Cầu lông trung cao tuổi toàn quốc đạt 03 HCV, 01 HCB, xếp thứ Tư toàn đoàn.

Tình hình an toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình, từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/10/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 8 người chết và 02 người bị thương. Tính chung 10 tháng toàn tỉnh xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm 44 người chết và 74 người bị thương.

Tình hình cháy nổ

Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/9/2022 đến ngày 15/10/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ. Tính chung 10 tháng toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy nổ gây thiệt hại 42,9 triệu đồng./.


Cục Thống kê tỉnh Thái Bình

  • Tổng số lượt xem: 719
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)