Báo cáo số 270/CTK-TH ngày 20/8/2007 của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 8/2007, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ổn định và phát triển. Sản xuất Nông nghiệp vụ Mùa thời tiết tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Sản xuất Công nghiệp ổn định và vẫn duy trì được tốc độ cao so cùng kỳ. Các ngành Dịch vụ hoạt động ổn định; đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư trên địa bàn. Giá cả hàng hoá tiêu dùng tuy đã có sự can thiệp tích cực song vẫn có xu hướng tăng, một số hàng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định.
Tình hình của một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như sau:
1. Sản xuất Nông nghiệp
Tính đến 15/8/2007, diện tích lúa mùa đã cấy đạt 33,1 ngàn ha đạt 98,8% kế hoạch vụ và bằng 99,7% so cùng kỳ. Diện tích lúa làm đòng 17,7 ngàn ha chiếm trên 50%; trong đó đã trỗ 2,2 ngàn ha. Các loại cây trồng khác đã trồng: ngô 949,2 ha +92,2%, đậu tương 1.336,7 ha -0,9%, lạc 469,1 ha +90,5%, rau xanh các loại 1.895, ha +10,8%; khoai lang 316,2 ha +20,9% so cùng kỳ... Hiện nay bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Trên diện tích gieo trồng tuy không xảy ra các đợt sâu bệnh hại nặng song các địa phương cần tăng cường kiểm tra phát hiện để kịp thời phòng trừ. Hiện nay đang là tâm điểm của mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp; các cấp, các ngành và nhân dân cần tăng cường công tác phòng chống lụt bão và cứu hộ cưú nạn, sẵn sàng bảo vệ sản xuất.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và phát triển. Công tác phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm; công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, khử trùng, tiêu độc được các địa phương thực hiện tốt, kịp thời. Công tác tiêm phòng bổ sung cúm gia cầm tiếp tục được thực hiện; trong tháng đã tiêm được 319,8 ngàn con.
Sản xuất Lâm nghiệp: Đến nay, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trồng được 704,5 ha rừng tập trung đạt 92,6% kế hoạch năm, trong đó rừng trồng theo dự án 661 đạt 443 ha đạt 86,8% kế hoạch. Một số đơn vị có tiến độ trồng rừng đạt nhanh, đã hoàn thành kế hoạch như: Lâm trường Lập Thạch, Vườn Quốc gia Tam Đảo... Công tác chăm sóc rừng lần I đạt 1.877 ha đạt 98,5% kế hoạch, diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 12,6 ngàn ha đạt 97,8% kế hoạch. Công tác phòng chống cháy rừng được quan tâm và chỉ đạo tích cực nên trong kỳ không có cháy rừng.
Sản xuất thủy sản trên địa bàn tiếp tục ổn định và phát triển. Hiện nay các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo vùng trũng, cải tạo diện tích nuôi trồng kém hiệu quả. Sản xuất giống thuỷ sản đạt khá, riêng 2 đơn vị là Chi cục Thuỷ sản và Trung tâm giống thuỷ sản cấp I đã cung cấp cho thị trường được 455 triệu cá bột, 15 triệu cá hương, 1,8 triệu cá giống. Công tác khuyến ngư tiếp tục được các đơn vị thực hiện, các mô hình đều phát triển tốt.
2. Sản xuất Công nghiệp
Tháng 8/2007, sản xuất Công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì phát triển và tăng cao so cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo giá CĐ 1994 (không tính CN do ANQP, Điện lực và một số chi nhánh Doanh nghiệp quản lý) ước đạt 2.679,6 tỷ đồng +7,91% so tháng trước và +45,81% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do các thành phần, khu vực kinh tế đều sản xuất ổn định và tăng cao, đặc biệt là khu vực FDI; mặt khác số Doanh nghiệp hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất tăng, một số doanh nghiệp tăng sản lượng để hoàn thành kế hoạch năm. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước thực hiện đạt 59,8 tỷ +4,15% so tháng trước và +19,52% so cùng kỳ; Kinh tế ngoài Nhà nước đạt 314,5 tỷ tăng lần lượt là +1,78% và +38,12%; khu vực FDI đạt 2.305,3 tỷ +8,9% và +47,78%; theo ngành công nghiệp cấp I thì ngành công nghiệp chế biến thực hiện 2.676,4 tỷ chiếm 99,88% tổng số và +7,91% so tháng trước, +45,83% so cùng kỳ. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 8/2007 của khu vực trong nước đều tăng so tháng trước và cùng kỳ. Một số sản phẩm có giá trị đạt lớn như: ô tô các loại 2.614 chiếc -0,99% so tháng trước và +53,94% so cùng kỳ; xe máy 125,3 ngàn chiếc +14,02% và +59,85%...
Tám tháng đầu năm 2007, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo gía CĐ 1994 (không tính CN do ANQP, Điện lực và một số chi nhánh Doanh nghiệp quản lý) dự kiến đạt 18.047,1 tỷ đồng +50,55% so cùng kỳ. Trong đó kinh tế Nhà nước thực hiện +19,02%, kinh tế ngoài Nhà nước +31,86% và khu vực FDI +55,18%; ngành công nghiệp khai thác mỏ +42,65%, ngành công nghiệp chế biến +50,57% và công nghiệp sản xuất phân phối điện nước +15,29% so cùng kỳ.
3. Đầu tư phát triển
Tháng 8/2007, dự kiến vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước địa phương quản lý thực hiện đạt gần 80 tỷ đồng +1,46% so tháng trước. Trong đó vốn ngân sách địa phương thực hiện đạt 65,8 tỷ đồng +0,19%; vốn ngân sách Trung ương uỷ quyền cho địa phương thực hiện đạt 13,3 tỷ +10,61% so tháng trước. Trong tháng các công trình phòng chống lụt bão, công trình giao thông tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành nhanh hơn; một số công trình hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm như: công trình xử lý sói lở hạ lưu tràn xả lũ hồ Vĩnh Thành (Tam Đảo), công trình tu bổ thường xuyên đê địa phương, công trình kênh cấp II Duy Phiên - Hoàng Lâu (Tam Dương)... Phong trào làm đường giao thông nông thôn thực hiện tốt, từ đầu năm đến nay đã thực hiện đạt 132,8 tỷ đồng. Trong tháng các công trình sửa chữa, xây mới trường học được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới. Tám tháng đầu năm, vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện đạt 503,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 461,6 tỷ chiếm 91,63% tổng số.
4. Các ngành dịch vụ chủ yếu:
- Vận tải: Tháng 8/2007, ngành vận tải trên địa bàn phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trên địa bàn. Vận tải hàng hoá dự kiến đạt 978 ngàn tấn bằng 53,6 triệu tấn km; so tháng trước +0,31% về tấn và +7,56% về tấn km, so cùng kỳ lần lượt +14,6% và +23,11%. Vận tải hành khách dự kiến đạt 670 ngàn lượt hành khách bằng 79,3 triệu hành khách km; so tháng trước +0,75% về hành khách và +2,42% về hành khách km. Doanh thu vận tải tháng 8/2007 đạt trên 54,1 tỷ đồng +2,01% so tháng trước và +16,94% so cùng kỳ. Tám tháng đầu năm 2007, vận tải hàng hoá dự kiến đạt 7,3 triệu tấn bằng 349,3 triệu tấn km +18,87% về tấn và +18,69% về tấn km; vận tải hành khách đạt 4,9 triệu lượt hành khách bằng 535,2 triệu hành khách km +27,1% về hành khách và +38,29% về hành khách km; tổng doanh thu vận tải 8 tháng đạt 390,7 tỷ đồng +21,14% so cùng kỳ.
- Thương mại, Giá cả:
Tháng 8/2007, chuẩn bị khai giảng năm học mới nên mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tăng hơn. Tổng mức bán lẻ đạt 647,1 tỷ đồng +1,87% so tháng trước. Trong đó thành phần kinh tế Nhà nước thực hiện 27 tỷ -4,29%, kinh tế Tư nhân 175,6 tỷ +0,22%, kinh tế Cá thể 442,5 tỷ +2,91% và khu vực FDI 2 tỷ +9,68% so tháng trước. Tám tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ dự kiến đạt 4.379,7 tỷ đồng +49,16% so cùng kỳ.
Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 8/2007 ổn định và tiếp tục phát triển. Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 31 triệu USD +0,52% so tháng trước và +35,23% so cùng kỳ; trong đó Kinh tế Nhà nước thực hiện đạt trên 0,8 triệu USD không tăng so tháng trước và +47,31%; kinh tế Tư nhân đạt 3,2 triệu USD +6,54% và -50,81%; các Doanh nghiệp FDI đạt 26,9 triệu USD -0,14% so tháng trước và -70,24% so cùng kỳ. Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống và có số lượng đều tăng so tháng trước. Tổng trị giá hàng nhập khẩu dự kiến đạt 80 triệu USD +3,49% so tháng trước và +52,16% so cùng kỳ; trong đó khu vực FDI thực hiện đạt 76,7 triệu USD +2,96% và +54,79%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của khu vực FDI. Tám tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 217,95 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 560,1 triệu USD đều tăng cao so cùng kỳ.
Tình hình giá cả hàng hoá và dịch vụ trong tháng 8/2007 trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, một số mặt hàng giá tăng nhẹ. Chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ +0,93% so tháng trước, +8,96% so cùng kỳ và +7,15% so tháng 12/2006. Trong đó tăng cao là hàng lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng sản xuất vụ Xuân đạt thấp và dịch bệnh trong chăn nuôi. Hàng lương thực có chỉ số giá +1,62% so tháng trước và +19,05% so cùng kỳ và +14,26% so tháng 12/2006; thực phẩm chỉ số giá +2,6% so tháng trước và +13,05% so cùng kỳ và +13,42% so tháng 12/2006. Các loại hàng hoá, dịch vụ khác nhìn chung ổn định, một số hàng có giá tăng so tháng trước tập trung chủ yếu là hàng phục vụ học tập. Giá vàng trong tháng +1,08% so tháng trước, +3,73% so cùng kỳ và +4,65% so tháng 12/2006; giá bình quân hiện nay là 1.296,8 ngàn đồng/chỉ. Giá đô la Mỹ cơ bản tăng nhẹ +0,19% so tháng trước và +0,48% so cùng kỳ và +0,47% so tháng 12/2006; giá bình quân 16.176 đồng/USD.
- Tài chính, tín dụng:
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, số ngân hàng thuộc các thành phần kinh tế đăng ký hoạht động trên địa bàn tăng nhanh. Tính đến hết 31/7/2007 toàn ngành đã huy động được 5.063,4 tỷ đồng +22,34% so đầu năm; trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế 2.047 tỷ +15,66%, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 2.624,6 tỷ +28,49%. Đồng thời toàn ngành đã đẩy mạnh cho vay, đến hết tháng 7/2007 dư nợ đạt 6.641,1 tỷ +16,75% so đầu năm; trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 4.136,6 tỷ chiếm 62,3% tổng dư nợ và +15,89% so đầu năm và dư nợ trung và dài hạn đạt 2.325,3 tỷ +19,77%.
5. Một số vấn đề xã hội
- Hiện nay, tình hình giá cả hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Nhà nước đã chỉ đạo cho các cấp, các ngành thực hiện một số biện pháp bình ổn giá song kết quả đạt được chưa nhiều. UBND tỉnh cần đề ra những biện pháp khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển đi đôi với hạn chế tăng giá, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
- Tháng 8/2007, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, chịu ảnh hưởng của mưa bão ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sức khỏe người dân. Ngành y tế đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác y tế, phòng dịch trong mùa mưa bão, xử lý kịp thời khi thiên tai, bão lụt xảy ra.
- Ngành giáo dục đào tạo và các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới; công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất các trường học đang được tích cực thực hiện. Công tác xét tuyển vào cấp THCS và thi tuyển THPT đã được các trường cũng như toàn ngành giáo dục thực hiện tốt, đảm bảo nghiêm túc, an toàn. Thực hiện công tác phân ban khi tuyển sinh THPT, ngành giáo dục đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện đảm bảo tính công khai, dân chủ theo đúng nguyện vọng của học sinh. Chuẩn bị cho năm học 2007-2008, Ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành chương trình chuyển đổi sách giáo khoa theo quy định cho giáo viên, đồng thời tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên các cấp đảm bảo nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn. Công tác tuyển sinh vào các trường Cao đẳng, đại học được ngành giáo dục hoàn thành, hầu hết các trường đã công bố điểm chuẩn; các trường trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật đã và đang tiếp tục tuyển sinh năm học mới.
- Công tác vận động gây quỹ ủng hộ tiếp tục được các cấp, các ngành thực hiện; các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc gia cam... của các địa phương tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm, của nhân dân trong tỉnh.
- Thực hiện tăng cường an toàn giao thông, nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, UBND tỉnh đã có Quyết định thực hiện đội mũ bảo hiểm bắt buộc đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô xe máy; tổ chức cho các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm trật tự an toán giao thông... Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, giảm cả về số vụ, số người chết, bị thương. Tháng 7/2007 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người, bị thương 4 người; so tháng 7/2006 giảm 5 vụ, 5 người chết và 3 người bị thương.