(MPI) - Ngày 15/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với kết quả 470/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38 %.
|
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nguồn: TTXVN |
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và cho biết, ngày 26/10 và 07/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.
Việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 03 năm và tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội. Qua báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tại Kỳ họp thứ tư cho thấy, nhiều chính sách thí điểm đã phát huy tác dụng, mang lại kết quả quan trọng, góp phần tạo nền tảng để các địa phương phát triển nhanh, bền vững, nhất là những chính sách về quản lý đất đai, tài chính - ngân sách và đầu tư. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục sơ kết, tổng kết các Nghị quyết thí điểm khác đã được Quốc hội ban hành để báo cáo Quốc hội theo tiến độ quy định.
Có ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phạm vi, quy mô của các chính sách, trong số 10 nhóm nhiệm vụ tại Kết luận, có 05 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh có cơ chế đặc thù trong cả nước, đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương. Ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả Vùng phát triển. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm như Dự thảo Nghị quyết. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện.
Báo cáo cũng làm rõ thêm nội dung về các chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch như quy định phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên vì theo quy định của Luật NSNN, việc ban hành định mức chi thường xuyên thuộc thẩm quyền của UBTVQH; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và việc lập, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nếu liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì cần tính toán kỹ và cần có ý kiến của các Bộ liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Về các chính sách ưu đãi thuế, thu hút chuyên gia, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi, mức ưu đãi, thời gian áp dụng, xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi và cần tăng cường quản lý thuế, tránh lợi dụng gây thất thu cho ngân sách, UBTVQH xin tiếp thu, giải trình như sau: Chính sách ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Nghị quyết chỉ áp dụng đối với dự án mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc những ngành, lĩnh vực cần thu hút theo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW. Trong quá trình thẩm định, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm chỉ đạo lấy ý kiến thẩm định đầy đủ của các cơ quan liên quan; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, tránh lợi dụng chính sách.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng pháp luật để gian lận, trốn thuế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin bổ sung khoản 1 Điều 7 trong Dự thảo Nghị quyết nội dung: “Giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính ưu đãi.”
Một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục, báo cáo nêu rõ, trong quá trình soạn thảo, trên cơ sở định hướng tại Kết luận số 67-KL/TW, những ngành, lĩnh vực phù hợp đã được lựa chọn phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, theo Chương trình hành động tại Nghị quyết số 103/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra 32 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, trong đó có 23 nhiệm vụ về phát triển các ngành, lĩnh vực, qua đó sẽ tạo hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định về chính sách khuyến khích thuế nói chung, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường và giáo dục. Trên cơ sở thí điểm sẽ nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên để báo cáo Quốc hội khi sơ kết, tổng kết, đánh giá Nghị quyết này.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH nêu liên quan đến quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; đề nghị cần có chính sách lâu dài, tạo môi trường, cơ chế phù hợp, kích thích hoạt động nghiên cứu và có chính sách đặc thù trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh khi thực hiện các chính sách thí điểm; thời gian áp dụng nghị quyết...
Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia; là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Đây là vùng cao nguyên quy tụ 40 dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thành phố Buôn Ma Thuột có hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không thuận lợi kết nối các đô thị lớn của vùng Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Đà Lạt) với các trung tâm kinh tế, các cảng biển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực tam giác Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư