(MPI) – Dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, ngày 15/11/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform): kết quả, bài học và định hướng tương lai”.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia cao cấp, đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan quốc tế.
Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) được Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ nhằm hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Chương trình được thực hiện từ tháng 11/2017 tới tháng 11/2022 với số tiền tài trợ 6,5 triệu đô la Úc.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong những năm qua, Việt Nam phải đối mặt với khó khăn không nhỏ về cải cách, điều hành kinh tế như rủi ro bẫy thu nhập trung bình, năng suất lao động chậm đột phá, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hơn,... Trước bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các nội dung liên quan đến cải cách thể chế kinh tế, bao gồm cả thể chế điều phối, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và nền tảng kinh tế vi mô gắn với môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu 2020 đã có những hệ lụy nặng nề đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, song không làm gián đoạn tiến trình cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong đó có một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong suốt quá trình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh tư duy mở để tạo không gian rộng nhất, thuận lợi nhất cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
“Chúng tôi luôn trân quý những hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam và cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, hỗ trợ kỹ thuật của Ô-xtrây-li-a dành cho các cơ quan của Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng luôn được đặc biệt trân trọng, bởi các nội dung này đã trực tiếp góp phần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực cho các cơ quan, cán bộ Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Lĩnh vực cải cách kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật từ phía Ô-xtrây-li-a đã góp phần mang lại “làn gió mới", là chia sẻ những kinh nghiệm cải cách tốt nhất, phù hợp với phía Việt Nam. Nói đến Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam là nói đến chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP trong nhiều năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam và quan trọng hơn hết là đà cải cách kinh tế được duy trì liền mạch, toàn diện, kể cả trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Chương trình Aus4Reform đã giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành khác thực hiện những cải cách cơ cấu quan trọng trên lĩnh vực môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp,… được Chính phủ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tâm niệm “không dừng lại ở những kết quả đã đạt được”, mà phải không ngừng tư duy, kiến nghị những nội dung, phương thức cải cách “để làm tốt hơn nữa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
|
Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPi |
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đánh giá cao mối quan hệ hợp tác Ô-xtrây-li-a - Việt Nam, trong đó các kết quả của Chương trình Aus4Reform được sử dụng làm cơ sở thực hiện những cải cách về thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân, tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế nông thôn; từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây là chương trình thứ ba trong các chương trình hỗ trợ hơn một thập kỷ qua của Chính phủ Ô-xtrây-li-a dành cho cải cách kinh tế Việt Nam bao gồm Chương trình hỗ trợ kỹ thuật Hậu Gia nhập WTO (2008-2014), Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu Kinh tế Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam (2014-2017) và Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ Cải cách Kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) (2017-2022).
Cùng với quá trình cải cách kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật trên lĩnh vực này rất lớn trong những năm tới. Các kết quả đạt được trong giai đoạn này sẽ là cơ sở để xây dựng giai đoạn tiếp theo trong các chương trình hỗ trợ của Ô-xtrây-li-a đối với cải cách kinh tế tại Việt Nam.
Theo Báo cáo của Chương trình Aus4Reform được trình bày tại Hội nghị, trong giai đoạn 2017-2022, Chương trình đã hỗ trợ việc xây dựng các nghị quyết quan trọng (nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…); hỗ trợ việc xây dựng và thẩm tra 8 dự thảo luật và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật; tạo lập thị trường cạnh tranh, minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông thôn; giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập kinh tế đối với kinh tế nông thôn; tăng khả năng cạnh tranh của các yếu tố thị trường và nâng cao năng suất lao động và phúc lợi cho các hộ nông thôn tại một số địa phương.
Chương trình Aus4Reform đã tăng cường tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong giám sát và thực hiện các kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ thông qua việc khảo sát doanh nghiệp, thực hiện các báo cáo góc nhìn của doanh nghiệp khi thực hiện chương trình cải cách môi trường kinh doanh; góp phần nâng cao vai trò chủ động của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc khuyến khích trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Cung cấp thông tin quan trọng để xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2021-2030.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chủ trì thực hiện các hợp phần, gồm Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có bài trình bày về cải cách cơ cấu góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng năng suất: Một số tư duy mới; Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Tạo điều kiện thuận lợi tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong cải cách thể chế.
Hội nghị cũng được nghe các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan quốc tế trao đổi, thảo luận và đánh giá cao Chương trình Aus4Reform nhằm tăng cường các nghiên cứu và phân tích các vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế của các cơ quan Việt Nam; Tăng cường đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, công luận, giới học giả và các chính trị gia; Tăng cường quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nước, đặc biệt là các cơ quan của Ô-xtrây-li-a.
Hội nghị là cơ hội để các đại biểu thảo luận trên tinh thần xây dựng những thành quả mà cả các cơ quan Việt Nam và đối tác Ô-xtrây-li-a đã cùng đạt được, những tư duy mới về cải cách cơ cấu và cơ hội hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a. Đây cũng là cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối để cùng phối hợp, hợp tác tích cực nhằm nâng tầm chất lượng cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư