Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/11/2022-10:44:00 AM
Biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng Tây Nguyên thực sự phát triển đột phá
(MPI) - Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong vùng Tây Nguyên, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng Tây Nguyên thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới, đạt được mục tiêu Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng công bố Chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: VGP

Đây là nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng diễn ra ngày 20/11/2022, tại tỉnh Lâm Đồng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 15/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên đến năm 2030 là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.

Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Và tầm nhìn đến năm 2045: Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải Trung Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Về mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm; Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%.

Để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Một là, công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Hai là, phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững. Ba là, phát triển văn hòa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc. Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng. Sáu là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Bảy là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể và 09 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù nhằm đạt được mục tiêu Phát triển Xanh - Hài hòa - Bền vững và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được, Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc anh em có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú vừa có nhiều nét đặc sắc riêng, với phong tục, tập quán văn hóa lâu đời, nơi có nhiều lễ hội truyền thống, các điệu múa đặc sắc...

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Triển lãm ảnh “Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững”; Xúc tiến đầu tư cho vùng Tây Nguyên nhằm huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 23-NQ-TW có thể được hiện thực hóa./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3583
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)