(MPI Portal) – Để chuẩn bị cho Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) dự kiến diễn ra vào tháng 12 sắp tới, ngày 13/11/2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc cùng bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch liên minh VBF và các thành viên Hội đồng quản trị VBF bàn về nội dung chương trình.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
VBF là một kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được tổ chức thường niên nhằm mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt cho VBF, bà Virginia Foote bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì sự hợp tác và những hỗ trợ tích cực đối với các hoạt động trong khuôn khổ VBF. VBF 2014 dự kiến diễn ra vào ngày 02/12/2014 tại Hà Nội sẽ nêu lên tiến trình xử lý các vấn đề đã đặt ra tại VBF giữa kỳ 2014 và đề ra giải pháp, chiến lược trong tình hình mới như các vấn đề xoay quanh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, sở hữu trí tuệ, bảo hộ chống hàng giả, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu đãi thuế, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam…
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết thứ hạng của Việt Nam đang được cải thiện theo đánh giá của Moody’s. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong các lĩnh vực như phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để có thể nắm bắt những cơ hội lớn từ những hiệp định thương mại sắp tới.
Đồng tình với những nội dung của Hội đồng quản trị VBF, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng các vấn đề cần được giải quyết ở tầm vĩ mô, xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh 6 nội dung chính dự kiến sẽ được thảo luận trong VBF 2014 bao gồm: các vấn đề về nợ công, nợ xấu ngân hàng trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước); vấn đề về lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; vấn đề đặt ra khi tham gia các hiệp định thương mại.
Qua đó, Hội đồng VBF nhất trí phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chương trình nghị sự VBF 2014 hợp lý, thiết thực, mang lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư