(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá tình hình triển khai kết quả VDPF 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức, ngày 05/11/2014, Hội nghị đã được nghe đại diện các Bộ, ngành báo cáo kết quả triển khai hành động chính sách VDPF 2013 trong 4 nhóm lĩnh vực: giảm nghèo và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số; sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công; đào tạo nghề và phát triển kỹ năng; bảo vệ môi trường.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về lĩnh vực giảm nghèo và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số trong chương trình VDPF 2013, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết tổng quan kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào phần nào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, giáo dục, y tế phát triển, dân trí được nâng lên… Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bức xúc, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, cơ sở hạ tầng thấp kém, chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực chưa được cải thiện, tình trạng di canh di cư, chặt phá rừng, tranh chấp đất đai có nơi còn diễn biến phức tạp…
Tổng quan kết quả triển khai hành động chính sách, nhóm công tác đã tập trung giải quyết các tình trạng phân tán điều phối trong chính sách giảm nghèo thông qua việc hoàn thiện và ban hành hàng loạt văn bản về lồng ghép các nguồn lực, chính sách tín dụng ưu đãi; tích cực hơn trong việc nâng cao vai trò của dân tộc thiểu số trong việc hoạch định các chính sách; đặc biệt là triển khai hàng loạt các hoạt động đối ngoại, tham vấn các cấp và nâng cao nhận thức của người nghèo; tạo thêm nhiều điều kiện trong việc phát triển sản xuất và tăng thu nhập.
|
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo báo cáo về lĩnh vực tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ và sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, dự kiến cho đến hết năm 2014 sẽ có 84% cư dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh và 63% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh việc nâng cao năng lực đổi mới các doanh nghiệp cấp thoát nước và quản lý tốt hơn các công trình cấp nước sạch ở nông thôn, nhóm công tác đã tập trung vào khuyến khích; xây dựng hành lang pháp lý cho việc hình thành thị trường nước sạch và thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong cung cấp dịch vụ; cải thiện khả năng tiếp cận vốn; các cơ quan nhà nước đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước, các đơn vị vận hành công trình nước tập trung hơn, triển khai các nghiệp vụ đảm bảo người nghèo được tiếp cận dịch vụ nước sạch.
Qua đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng cũng nêu lên một số khó khăn thách thức trong quá trình triển khai như nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; khu vực tư nhân khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội; cơ chế hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn chưa được thực hiện tốt ở các địa phương đảm bảo tính đúng tính đủ; hình thức PPP còn quá mới đối với Việt Nam, nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro trong đầu tư, mẫu hợp đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
|
Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Đức Trung
(MPI Portal)
|
Dựa trên đề cương của VDPF 2013 về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đối tác phát triển đã triển khai các khuyến nghị và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan theo 4 nhóm hành động: Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và hội nhập ASEAN, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo an sinh và hòa nhập xã hội, đặt đào tạo nghề vào môi trường thuận lợi, tăng cường điều phối các khoản Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong lĩnh vực dạy nghề. Việc triển khai các khuyến nghị hành động với sự hỗ trợ hiệu quả và linh hoạt của các đối tác phát triển đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam, tác động tích cực từ cấp vĩ mô, cơ quan quản lý dạy nghề, đến cấp cơ sở đào tạo, thực hiện triển khai đào tạo nghề. Qua đó, nhóm công tác đánh giá cao hiệu quả VDPF mang lại và tin rằng quá trình đổi mới đào tạo nghề ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những cam kết và đóng góp tăng cường hơn nữa.
|
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các đối tác phát triển và nhận được sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật, tài chính, cũng như kinh nghiệm trong việc rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản hướng dẫn luật bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quốc gia về thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), thực thi quản lý môi trường nước; tiếp tục hỗ trợ việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quốc gia xây dựng và tham gia các hiệp định quốc tế, khu vực, song phương với các nội dung liên quan đến môi trường, tạo cơ hội tốt cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế bền vững và hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Những kết quả bước đầu đã góp phần tích cực vào tăng cường và dần hoàn thiện công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường của Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo, đại biểu và các đối tác phát triển cũng đưa ra một số ý kiến góp ý cho nội dung báo cáo, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc định hướng và triển khai VDPF kỳ sau./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư