Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/09/2007-13:03:00 PM
Các nhà lãnh đạo APEC ra Tuyên bố Sydney

Các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua "Tuyên bố Sydney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch" và "Tuyên bố riêng của các nhà lãnh đạo APEC về Vòng đàm phán Doha".
Chiều 8/9 (theo giờ địa phương), phiên họp kín thứ nhất của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 15 đã diễn ra tại Nhà hát Opera Sydney ở thành phố Sydney (Australia). Tham dự phiên họp có lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự phiên họp.

Tại phiên họp kín thứ nhất, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận 2 chủ đề quan trọng của APEC 2007 là “Biến đổi khí hậu, An ninh năng lượng và Phát triển sạch” và “WTO và Vòng đàm phán Doha”. Các nhà lãnh đạo đã tập trung phát biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự năm nay và cho rằng, đây là một vấn đề cần được sự quan tâm, hợp tác giải quyết của cả cộng đồng quốc tế, trong đó các thành viên APEC có thể đóng vai trò đầu tàu.

Nhiều thành viên các nước đang phát triển đã khẳng định vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, coi đây là khuôn khổ hợp tác chủ yếu của cộng đồng quốc tế. Nhiều thành viên khẳng định việc đối phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của cả các nước phát triển cũng như đang phát triển nhưng cần phải tôn trọng nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”. Theo đó, các nước phát triển, là những tác nhân chủ yếu của việc thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần phải tăng cường trách nhiệm, đi tiên phong trong việc tìm kiếm công nghệ mới thân thiện môi trường, trợ giúp tài chính, công nghệ và chia sẻ thông tin cho các thành viên đang phát triển.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Với 84 triệu dân và hơn 3.200km bờ biển, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn hại khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002. Việt Nam đề nghị các nền kinh tế phát triển tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển về tài chính, kỹ thuật, công nghệ để giải quyết các cơ chế phát triển sạch. Với tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ việc APEC cần có tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Đề cập vòng đàm phán Doha, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, là thành viên mới của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đang theo dõi sát sao mọi tiến triển liên quan đến vòng đàm phán Doha và cố gắng góp phần khai thông bế tắc của vòng đàm phán này. APEC cần đóng góp tích cực để góp phần củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới và thúc đẩy vòng đàm phán Doha sớm kết thúc thành công. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị cần lưu ý các qui định đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là cho các nước mới gia nhập như Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết.

Kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Sydney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch” và “Tuyên bố riêng của các nhà lãnh đạo APEC về Vòng đàm phán Doha”.

Trong “Tuyên bố Sydney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch”, các nhà lãnh đạo APEC kêu gọi một thỏa thuận hợp tác quốc tế mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2012; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi về giảm cường độ sử dụng năng lượng trên toàn khu vực xuống ít nhất 25% vào năm 2030 (lấy năm 2005 làm mốc); hợp tác để đạt mục tiêu mong đợi về tăng độ che phủ rừng của toàn APEC lên thêm ít nhất 20 triệu ha tất cả các loại rừng vào năm 2020.

Trong “Tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Doha”, các nhà lãnh đạo APEC cam kết sẽ phấn đấu để trong năm nay các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng Doha sẽ bước vào chặng cuối.

Phát biểu sau phiên họp kín thứ nhất với việc các nhà lãnh đạo APEC nhất trí ra Tuyên bố Sydney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch, Thủ tướng Australia John Howard nói: “Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đạt được thống nhất toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu. Điều đó chứng tỏ rằng APEC là một tổ chức rất năng động và có sức bật. Điều đó cũng cho thấy sự đồng thuận của các thành viên trong APEC”.

Trước khi bước vào phiên họp kín thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục áo bành-tô truyền thống của nông dân Autralia.

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC (ABAC).

Trong buổi sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có cuộc thảo luận bàn tròn với đại diện Liên minh doanh nghiệp Mỹ tại APEC, một tổ chức được thành lập năm 1993 với nhiệm vụ điều phối các hoạt động của giới doanh nghiệp Mỹ tại Diễn đàn APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ làm tốt chức năng quản lý vĩ mô, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin tưởng, các tập đoàn của Mỹ với thế mạnh về công nghệ chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại Việt Nam.

Vào lúc 20 giờ tối nay (theo giờ địa phương), tức 17 giờ chiều nay (theo giờ Hà Nội), tại Nhà hát Opera Sydney ở thành phố Sydney, Thủ tướng Australia John Howard và Phu nhân mở tiệc chiêu đãi chào mừng Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Thông tấn xã Việt Nam

    Tổng số lượt xem: 973
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)