Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/11/2022-17:47:00 PM
Phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2020-2022, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải khai thác tối đa về tiềm năng, lợi thế để tạo được những động lực tăng trưởng mới trên cơ sở bố trí, sắp xếp không gian phát triển một cách hợp lý, giải quyết đồng bộ các vấn đề liên ngành để lựa chọn phương án phát triển tốt nhất, bền vững nhất trên cả 4 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng - an ninh.

Trên đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại Phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 24/11/2022. Tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền; thành viên Hội đồng thẩm định, chuyên gia phản biện; Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bình Phước trong quá trình lập và hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời nhấn mạnh, Luật Quy hoạch năm 2017 là một bước cải cách lớn về thể chế, làm thay đổi căn bản về tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh là quy hoạch lần đầu tiên được lập, là một nhiệm vụ rất mới, rất khó, rất quan trọng và rất cấp thiết. Một trong những khó khăn lớn nhất của lập quy hoạch tỉnh là phải xác định đúng phạm vi của quy hoạch tỉnh. Một mặt, phải đảm bảo Quy hoạch tỉnh không được quá chi tiết làm hạn chế sự chủ động của tỉnh trong quản lý, đầu tư các dự án cụ thể vì việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ rất chặt chẽ; mặt khác, phải phải bảo đảm quy hoạch tỉnh không được quá khái quát, để đảm bảo tính khả thi và hữu dụng của quy hoạch tỉnh trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý đầu tư tại các ngành, lĩnh vực, địa bàn của địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia. Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Phước còn có một số hạn chế như đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; Quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, lợi thế. Điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục còn hạn chế; hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI xếp thứ 50/63 tỉnh) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI xếp thứ 42/63 tỉnh).

Để tỉnh Bình Phước hoàn thiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia tham gia cho ý kiến, tập trung trao đổi và làm rõ một số nội dung về luận chứng rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn; những động lực, đột phá, đóng góp của từng ngành trong GRDP; xem xét về việc lựa chọn trụ cột tăng trưởng, và lựa chọn ngành ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá; về phát triển công nghiệp, nông nghiệp; xem xét về sự phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt; phương án phát triển đô thị; khả năng cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch; vấn đề môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trải qua 25 năm xây dựng, phát triển và hội nhập và khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu đạt thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong vùng Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với đà phát triển đã có cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh hiện nay, Bình Phước được đánh giá là vùng dự trữ với nhiều lợi thế và tỉnh đặt quyết tâm thực hiện khát vọng biến vùng dự trữ phát triển thành vùng phát triển thực sự. Do vậy, tỉnh Bình Phước rất quan tâm đến công tác quy hoạch và triển khai theo đúng quy định, trong đó đưa ra phương hướng, mục tiêu, quan điểm phát triển; xác định trọng tâm trọng điểm, phục vụ đời sống người dân.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường thông tin, Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn trong vùng, phù hợp với phát triển nông nghiệp gắn với cây công nghệp là cây cao su và hạt điều. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được không cao nên tỉnh đặt ra yêu cầu chuyển đổi sang cây trồng khác. Quá trình chuyển đổi này sẽ cần sự nỗ lực cao; cùng với đó là tập trung vào các đột phá lớn trong đó có giao thông, hạ tầng xã hội, nhân lực… toàn bộ mục tiêu phát triển đều được đưa vào hoạch tỉnh.

Đến nay, tỉnh Bình Phước đã hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định thông qua. Tuy nhiên, đây là nội dung, phương pháp lập hoàn toàn mới, nên cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn. Tỉnh xác định đây là cơ sở quan trọng để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Bình Phước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.

Dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước đưa ra các định hướng phát triển gồm, ba ngành kinh tế quan trọng (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ); ba khâu đột phá (phát triển hạ tầng, nhân lực, cải cách thủ tục hành chính); Ba vùng động lực; ba trục phát triển và một vành đai an sinh; bốn trung tâm đô thị; sáu nhiệm vụ trọng tâm.

Tỉnh Bình Phước đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm, có thu nhập và nguồn ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính phủ điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số. Đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh, văn minh.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến, các đại biểu cơ bản đánh giá, hồ sơ quy hoạch tỉnh Bình Phước đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 của Luật Quy hoạch; thống nhất với nội dung Báo cáo quy hoạch và nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược quy hoạch; phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuân thủ quy trình lập quy hoạch tại Điều 16 của Luât Quy hoạch.

Các ý kiến cũng đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục phối hợp với các bộ chuyên ngành đang tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia để cập nhật các nội dung quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống quy hoạch; rà soát lại các nội dung tích hợp để đảm bảo sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, bố trí không gian phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch với nội dung quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, cần bổ sung đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện phát triển đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh lân cận; bổ sung đánh giá về vai trò, vị trí của tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, của vùng Đông Nam Bộ; đánh giá hiện trạng phân bố không gian của các ngành trên địa bàn tỉnh; bổ sung luận cứ, luận điểm cho việc lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá kỹ hơn về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cảm ơn ý kiến quý báu, trách nhiệm của các chuyên gia, thành viên Hội đồng. Qua ý kiến toàn diện, tâm huyết, tỉnh Bình Phước “sáng ra” được nhiều điều và sẽ tiếp thu tất cả ý kiến để nhận diện rõ hơn những khó khăn, hạn chế, xác định rõ hơn tiềm năng, lợi thế để đề ra giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, những vấn đề đặt ra là khó nhưng nếu không đưa vào quy hoạch thì không có cơ sở thực hiện. Do vậy, sau phiên họp tỉnh Bình Phước sẽ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, khoa học nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng thông tin về những kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn hiện nay của tỉnh Bình Phước và nhấn mạnh “tỉnh Bình Phước đang nỗ lực tập trung phát triển theo chiều hướng bền vững để tự đứng vững trên đôi chân của mình, góp phần vào phát triển vùng Đông Nam Bộ cũng như phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành nội dung đề ra; đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo tỉnh Bình Phước trong quá trình xây dựng quy hoạch; thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định, nội dung quy hoạch thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh Bình Phước.

Với kết quả bỏ phiếu: 29/29 phiếu, đạt tỷ lệ 100% đồng ý thông qua hồ sơ quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện nghiên cứu tiếp thu, bổ sung hoàn thiện.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch xem xét, nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, trong đó tập trung làm rõ nội dung được các đại biểu nêu như rà soát nội dung tích hợp, quy trình xử lý vấn đề liên ngành, liên huyện, vấn đề đánh giá môi trường chiến lược; làm rõ tính khả thi của kịch bản lựa chọn trong quy hoạch; việc lựa chọn những ngành có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh để định hướng ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch; làm rõ đề xuất của các công trình và quy mô các công trình với yêu cầu phát triển của thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển hệ thống đô thị, các chỉ tiêu đô thị hóa; nhu cầu sử dụng đất đảm bảo sự phù hợp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 ; rà soát cơ cấu nguồn vốn nhất là với công trình hạ tầng then chốt, các dự án trọng tâm có sức lan tỏa; xác định vấn đề môi trường và đưa ra giải pháp cụ thể.

Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định thông qua và được Thủ tướng phê duyệt tới đây sẽ là một dấu mốc quan trọng giúp tỉnh Bình Phước chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, biến tiềm năng thành động năng, cao hơn là thành nguồn lực và động lực cho phát triển, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1409
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)