Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/11/2022-17:47:00 PM
Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022
(MPI) - Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra ngày 23/11/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, dự báo cả năm đạt khoảng 8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Có thể nói, đây là thành tựu rất đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến một bối cảnh kinh tế toàn cầu chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Tình hình dịch bệnh phức tạp tại một số quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam đã tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro thu hẹp thị trường ngày càng gia tăng…

Các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 làm tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư toàn cầu nói chung và vào Việt Nam nói riêng, trong đó có vốn thực hiện các thương vụ M&A. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tính chung 10 tháng kể từ đầu năm 2022 vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,46 tỷ USD; có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia… Những diễn biến khó lường trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thậm chí thách thức, khó khăn còn nhiều hơn.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Chính vì thế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đã được thông qua với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là khoảng 4,5%, còn tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để thực hiện mục tiêu này, ngoài các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với riêng ngân sách dành cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình trình đã lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Cộng thêm khoản vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, năm 2023, chúng ta có hơn 726 nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển. Giải ngân nguồn lực lớn này là một thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để chúng ta duy trì động lực phục hồi, đạt mục tiêu kế hoạch năm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hướng đến các mục tiêu phát triển của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong gian qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực cũng đã được nâng cao. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc giai đoạn 2024-2025.

Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển. Vì vậy, sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hi vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để “kích hoạt những cơ hội mới”.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn;tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ông Lê Trọng Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, nếu năm 2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ về ngưỡng trước đại dịch, các thị trường M&A bùng nổ và những giao dịch xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ thì động lực này được dự báo khó có thể duy trì trong năm nay. Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp năm nay có thể đi xuống, trường hợp khá nhất là đi ngang.

Theo ông Lê Trọng Minh, mặc dù còn nhiều ẩn số cần giải đáp, nhưng khả năng phục hồi và tăng tốc trở lại với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới vẫn khá rõ ràng. Là một trong những tâm điểm đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A Việt Nam được chờ đợi để “Kích hoạt những cơ hội mới” như chủ đề mà Diễn đàn M&A năm nay đặt ra.

Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế chỉ còn hơn một tháng nữa để hoàn thành kế hoạch năm 2022 và Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đây chính là thời điểm để cùng nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, cũng như chuẩn bị cho việc thực hiện thành công kế hoạch của năm tới.

Tại Diễn đàn, các diễn giả phân tích những cơ hội M&A trong một thị trường đầy biến động và làm thế nào để thiết lập các giá trị mới; mang lại những thông tin bổ ích, thiết thực và giá trị để thực hiện hiệu quả các thương vụ M&A tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Hội thảo chuyên đề M&A với 2 phiên chính, trong đó, phiên 1 với chủ đề “Cơ hội M&A trong thị trường đầy biến động” và phiên 2 với chủ đề “Thiết lập các giá trị mới”. Với các phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả tham dự Diễn đàn đã cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn thể về thị trường, đánh giá xu hướng, cơ hội các ngành nghề, lĩnh vực, hiện thực hóa cơ hội M&A thông qua các thương vụ cụ thể. Đồng thời, Diễn đàn cũng là cơ hội giúp kết nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bên lề Diễn đàn, Ban Tổ chức cũng sẽ dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác.

Ban tổ chức trao Kỷ niệm chương vinh danh Top 10 thương vụ Đầu tư và M&A tiêu biểu. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức vinh danh 10 thương vụ Đầu tư & M&A tiêu biểu năm 2021-2022; 12 tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu năm 2021-2022 và Vinh doanh 1 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021-2022. Các thương vụ được bình chọn bởi một Hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1686
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)