Gạo được bày bán tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN) Tác giả một bài báo của Eurasia Review nhận định thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh chính là yếu tố bảo vệ ASEAN phần nào trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tạp chí Eurasia Review mới đây đăng bài viết nhận định trong khi nhiều nơi trên thế giới đứng bên bờ vực suy thoái, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trên đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2022.
Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tăng hơn 6%, trong khi tăng trưởng của Indonesia và Campuchia dự kiến khoảng 5%. Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3%.
Phần lớn tăng trưởng này là nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi của nhu cầu trong nước và đầu tư, sự phát triển đô thị diễn ra khắp khu vực, ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Khu vực thu hút được các ngành sản xuất do chi phí tương đối thấp.
Tác giả bài báo nhận định thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh. Đây chính là yếu tố bảo vệ ASEAN phần nào trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong ngắn hạn, ASEAN vẫn có vùng đệm để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái quốc tế nào sắp tới.
Hầu hết các nhà phân tích kinh tế tin rằng ASEAN sẽ vẫn tương đối phát triển trong năm tới.
Tuy nhiên, một số nước ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề tiềm ẩn.
Mặc dù xuất khẩu tăng nhanh ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, song tình trạng suy thoái kinh tế quốc tế có thể làm giảm nhu cầu vào cuối năm nay và năm 2023.
Các đồng nội tệ bị suy yếu, nợ công và nợ tư nhân tăng, giá năng lượng tăng phi mã và lạm phát.
Một số nhà phân tích quan ngại rằng "bong bóng" bất động sản có thể vỡ.
Sự phục hồi kinh tế của ASEAN đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động kinh niên ở Singapore, Malaysia và thậm chí cả Thái Lan. Điều này có thể cũng cản trở sự tăng trưởng tiềm năng của ngành xây dựng và sản xuất nếu không được giải quyết.
Những thách thức phía trước đối với ASEAN sẽ là vấn đề kiểm soát nợ và lạm phát, đối phó với tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài thấp hơn, giải quyết tình trạng tỷ giá hối đoái đang xói mòn và một đợt đầu cơ ngoại tệ khác nếu thế giới rơi vào suy thoái sâu./.