(MPI) - Chiều ngày 05/12/2022 đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về đánh giá môi trường chiến lược, qua đó làm cơ sở giúp Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định kết quả Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Yên Bái đảm bảo khoa học, thực tiễn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Thực hiện Quyết định số 1421/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Báo cáo ĐMC được xây dựng đồng thời với quá trình lập hồ sơ quy hoạch tỉnh. Tỉnh Yên Bái đưa ra các khâu đột phá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm 02 trung tâm động lực tăng trưởng là thành phố Yên Bái và phụ cận, và thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận; 03 vùng kinh tế là vùng kinh tế trung tâm, vùng kinh tế phía Đông và vùng kinh tế phía Tây; 04 trụ cột tăng trưởng là công nghệ chế biến chế tạo, phát triển du lịch, kinh tế dịch vụ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 06 trục liên kết động lực; 12 ý tưởng đột phá về phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, phát triển thương mại - dịch vụ và phát triển nông nghiệp.
Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Yên Bái được xây dựng dựa trên bổ sung quan điểm, mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường với các quan điểm, mục tiêu môi trường của quốc gia như đã bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…
Theo đó, cơ sở xác định các vấn đề môi trường chính được dựa vào hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường; hiện trạng các nguồn tài nguyên; định hướng quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tham vấn các sở, ban ngành địa phương và ý kiến từ các chuyên gia. Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Yên Bái đã xác định 05 vấn đề môi trường chính gồm suy giảm chất lượng môi trường nước, gia tăng chất thải rắn; suy giảm đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên; gia tăng nguy cơ thiên tai; suy giảm chất lượng không khí.
Báo cáo cũng đưa ra dự báo về vấn đề môi trường khi không thực hiện quy hoạch như việc gia tăng nguy cơ thiên tai như sạt lở, ngập lụt, lũ quét khi tăng cường khai thác khoáng sản, đô thị hóa, thủy điện, giao thông; làm suy giảm môi trường không khí, đa dạng sinh học do chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế - xã hội như khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông, thủy điện, gia tăng dân số, phát triển du lịch,…. Đồng thời đưa ra các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, hạn chế, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính về cơ chế, chính sách pháp luật, về tổ chức quản lý, công nghệ kỹ thuật.
Tham gia cho ý kiến, các đại biểu đánh giá Báo cáo ĐMC đã được tỉnh Yên Bái xây dựng cơ bản đầy đủ theo quy định và đã chỉnh sửa dựa trên các tham vấn trước đó. Các chuyên gia nhận định rằng, Báo cáo ĐMC phải được làm đồng thời với quá trình lập hồ sơ quy hoạch để đảm bảo đủ tính đồng bộ, ưu việt về lợi thế phát triển của tỉnh.
Các ý kiến cho rằng, báo cáo đã nêu tương đối đầy đủ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tuy nhiên cần chỉ rõ xu hướng chuyển dịch kinh tế, hiện trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; bổ sung về khí tượng thủy văn, điều kiện địa hình, địa chất để làm cơ sở đánh giá về điều kiện môi trường tự nhiên của tỉnh. Báo cáo cũng cần nêu thêm về định hướng bảo vệ môi trường để định hướng rõ về phân vùng; đánh giá tác động môi trường (ĐMT) cần nêu rõ sự khác biệt về định hướng phân biệt môi trường và đưa ra các giải pháp duy trì xu hướng tích cực và giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính trong quá trình lập quy hoạch.
Phát biểu giải trình, tiếp thu, ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cảm ơn các ý kiến quý báu, trách nhiệm của các đại biểu tham dự để giúp Tỉnh có thêm cơ sở hoàn thiện Báo cáo ĐMC. Đồng thời khẳng định cơ quan lập quy hoạch sẽ tiếp thu và nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện Báo cáo./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư