Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/12/2022-11:49:00 AM
Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới
(MPI) - Tại Hội thảo chuyên đề Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các định hướng mới trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch trong thời gian tới; làm rõ vai trò, tác động của một số động lực tăng trưởng; nhận diện những rào cản, khó khăn để đề xuất những giải pháp trọng tâm nhằm tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hiệu quả, bền vững.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm diễn ra ngày 17/12/2022, tại Hà Nội. Đồng chủ trì Hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Kiến tạo không gian phát triển kinh tế mới

Ông Đinh Trọng Thắng phát biểu. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bài trình bày về Kiến tạo không gian phát triển kinh tế mới thông qua đẩy nhanh triển khai đồng bộ và quyết liệt các chủ trương, định hướng về phát triển các vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia và cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 là một bước cải cách lớn về thể chế; làm thay đổi căn bản về tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên vùng; giảm thiểu chia cắt, cục bộ; phân bố và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực về vốn, nhân lực và tài nguyên nhằm đạt được mục tiêu phát triển chung.

Luật Quy hoạch đã góp phần khắc phục sự phân tán, dàn trải trong các quy hoạch trước đây; thiết lập Hệ thống quy hoạch quốc gia gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, thay thế cho 3.654 quy hoạch cùng cấp, tương ứng với việc cắt giảm 97% số lượng các loại quy hoạch.

Ông Đinh Trọng Thắng cho biết, trong Hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là căn cứ và cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển xã hội 5 năm và hằng năm; Quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia theo quy định của pháp luật có liên quan; Lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh; Là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc lập và thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng để lập các quy hoạch khác theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời làm căn cứ để xác định và quyết định các dự án đầu tư phục vụ cho phát triển các ngành, các vùng và các địa phương.

Quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã huy động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; triển khai xây dựng và tích hợp 41 hợp phần quy hoạch trên cơ sở xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, bảo đảm tính thống nhất trong Định hướng và Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đặc biệt, đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tiếp thu ý kiến Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Tờ trình số 475/TTr- ngày 06/12/2022.

Về thực trạng tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua, ông Đinh Trọng Thắng cho rằng, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước; Phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước; Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng; Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông; Nhiều công trình hạ tầng xã hội quan trọng được quan tâm đầu tư; Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... được bảo vệ, mở rộng, góp phần tăng đa dạng sinh học; Đã hình thành mối quan hệ, liên kết phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, nhất là giữa các ngành kết cấu hạ tầng với các ngành sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị trong phạm vi một địa phương, tiểu vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập; Đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước; Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư; Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế; Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; Ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục; ô nhiễm môi trường biển, hải đảo gia tăng; Hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế; Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong phát triển các ngành, lĩnh vực để hình thành các khu vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư; còn xảy ra mâu thuẫn lợi ích, xung đột tại một số địa bàn.

Quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển

Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Đinh Trọng Thắng cho biết, quan điểm phát triển là quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, bao gồm quan điểm “Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.”

Quan điểm về tổ chức không gian phát triển: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu phát triển Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch

Theo ông Đinh Trọng Thắng, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Ông Đinh Trọng Thắng cũng nhấn mạnh đến các định hướng về phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời cho biết, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống các giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực. Trong các giải pháp về cơ chế, chính sách, Quy hoạch nhấn mạnh ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng quy mô lớn của các vùng động lực quốc gia và thúc đẩy hình thành các hành lang kinh tế ưu tiên; bên cạnh đó, quan tâm các khu vực khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe các bài trình bày về đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo thị trường và động lực phát triển mới trong năm 2023; Đẩy nhanh chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023; Cơ hội và thách thức của quá trình chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với nền kinh tế xanh của Việt Nam; Phát huy và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo; Tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới năm 2023 thông qua đẩy nhanh tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vai trò, tác động của một số động lực tăng trưởng như phát triển kinh tế số, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đô thị hóa và phát triển đô thị gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ phù hợp với Quy hoạch, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, hoạt động dịch vụ thương mại, logistics gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế qua các FTA, phát triển các cực tăng trưởng gắn với nâng cao hiệu quả liên kết vùng, nâng cao hiệu quả tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo…;Thảo luận, khuyến nghị các chính sách đối với Việt Nam./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1088
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)