(MPI) - Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ngày 22/12/2022 đã diễn ra Phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu mở đầu phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham dự phiên họp, có các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Sóc Trăng có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu; ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, chúng ta nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới, sẵn sàng ứng phó vượt qua các thách thức, góp phần xây dựng đất nước phát triển.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tỉnh Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng có những lợi thế riêng để phát triển. Với vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, được ưu tiên phát triển hạ tầng như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cảng nước sâu Trần Đề,... tỉnh Sóc Trăng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, cả về nông sản vùng ngọt, lợ và mặn. Với 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và dịch vụ, đồng thời phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh các tiềm năng, lợi thế nêu trên, do xuất phát điểm thấp, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quỹ đất khu công nghiệp tương đối lớn nhưng cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, đạt yêu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chủ yếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.
Trong những năm tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững, Sóc Trăng cần phải xây dựng một bản quy hoạch tỉnh có thể đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự đột phá mới trong phát triển, hướng tới một khát vọng thịnh vượng, trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia và các đại biểu dự họp tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; Đánh giá phương pháp lập quy hoạch và nội dung bản quy hoạch Sóc Trăng, đặc biệt về việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch về dữ liệu, chồng lớp bản đồ; Xác định vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng; Quan điểm, triết lý, tầm nhìn phát triển của tỉnh trong kỳ quy hoạch; Định hướng phát triển trong từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bố không gian từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Sóc Trăng, để khai thác có hiệu quả nhất về tài nguyên, lợi thế, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển…
Theo báo cáo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại phiên họp, tỉnh Sóc Trăng đưa ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế phát triển khá, trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, trách nhiệm đối với môi trường và bả o đảm quốc phòng - an ninh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành vùng đất trung lưu về mức sống của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; điểm đến du lịch nông nghiệp và văn hóa xanh, chất lượng cao hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây; là một trung tâm công nghiệp xanh - cơ cấu kinh tế hiện đại - xã hội phát triển hài hòa; phát triển bền vững là đích hướng tới trong các hoạt động kinh tế của tỉnh.
Về các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, tỉnh Sóc Trăng xác định phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp; Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, cảng biển, logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng chuyển đổi số.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Sóc Trăng, đa số ý kiến cho rằng, Báo cáo Quy hoạch được dựng công phu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát các quy định, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch tỉnh cơ bản đã xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch.
Bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng có những thuận lợi như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Luật Quy hoạch, một số Nghị định, văn bản hướng dẫn, 5 quy hoạch cấp quốc gia và đặc biệt là quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 2 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; quy hoạch tổng thể quốc gia đã được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Những bản quy hoạch này được lập theo cách tiếp cận kết hợp quy hoạch phát triển và quy hoạch không gian; tích hợp đa ngành, xem xét, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để lựa chọn cho vùng, địa phương đó phương án phát triển tốt nhất, bền vững nhất trên cả 4 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Sóc Trăng; Sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch; Phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn; Phương án phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; Phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế và thực trạng phát triển các ngành công, nông nghiệp, dịch vụ; Danh mục dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng để kết nối với các tỉnh trong vùng như dự án giao thông vận tải.
Về vị trị địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cần phân tích thêm về tính đặc thù của tỉnh về địa chất, khoáng sản, thổ nhưỡng, xâm nhập mặn, nguy cơ nước biển dâng; bổ sung sinh kế và thu nhập; dự báo nhu cầu lao động, nhu cầu nhận lực cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện theo cam kết của Việt Nam tại COP26…
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá về Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cảm ơn ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và các ủy viên phản biện đối với quy hoạch tỉnh; đồng thời khẳng định, với tinh thần cầu thị, tỉnh Sóc Trăng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ các ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tinh thần quy hoạch luôn đi trước một bước để vạch ra chiến lược, tầm nhìn cho sự phát triển; có quy hoạch tốt thì mới có các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khoa học, bài bản. Quy hoạch Tỉnh được xem là khung kiến trúc, chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới.
Đồng thời cho biết thêm, tỉnh Sóc Trăng xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Tỉnh; đánh giá sát điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của tỉnh; từ đó đề xuất được các phương án phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giúp đạt được các mục tiêu, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Sau khi đã thảo luận, các thành viên Hội đồng thẩm định đã biểu quyết vào Phiếu đánh giá Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Phiếu đánh giá kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch và Phiếu biểu quyết Dự thảo Báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh Sóc Trăng và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch với kết quả 100% đồng ý thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu và đề nghị tỉnh Sóc Trăng, xem xét, rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện; lập báo cáo tiếp thu, giải trình và bảo lưu nếu có; chịu trách nhiệm tính chính xác về số liệu, hệ thống bản đồ; tiếp thu, giải trình, hoàn thiện báo cáo ĐMC; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo hồ sơ đạt chất lượng và tiến độ, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư