(MPI) - Ngày 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển số tham dự trực tuyến tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Theo Báo cáo tóm tắt sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày tại Hội nghị, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Trong năm 2022 đã hoàn thành xây dựng 04 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về sửa đổi, bổ sung 19 Nghị định liên quan đến sử dụng hộ khẩu giấy; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.
21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao; hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng, để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư; cung cấp 08 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhất là các sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo.
Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các nội dung của Đề án 06, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Trình bày về kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, 9/12 chỉ tiêu (trong đó, các ngành Tài chính, Ngân hàng mỗi ngành đóng góp 1 chỉ tiêu, ngành Công Thương đóng góp 2 chỉ tiêu và ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp 5 chỉ tiêu (trong đó 01 chỉ tiêu có sự đóng góp chung của lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư) và 101/107 nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 hoàn thành; hoàn thành 49/51 nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Phiên họp trước.
30/30 bộ ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày Chuyển đổi số; 100% bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động năm 2022.
Kinh tế số có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt ước tính sơ bộ năm 2022, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 14,26% GDP; số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến hết năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng gần 6.200 doanh nghiệp so với 12/2021; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số Việt Nam đã có 671.469 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ đã phối hợp với các địa phương như Tuyên Quang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, An Giang, với các hiệp hội như Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp trẻ An Giang, …để phổ cập, nâng cao nhận thức, hướng dẫn đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đào tạo, tư vấn trực tiếp cho khoảng 1000 doanh nghiệp về chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai cử các chuyên gia chuyển đổi số đến 50 doanh nghiệp được sàng lọc, lựa chọn trên phạm vi toàn quốc để hỗ trợ xây dựng và triển khai chiến lược, lộ trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hỗ trợ 100 doanh nghiệp thành công điển hình về chuyển đổi số đến năm 2025. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số năm 2022 đạt 30,07%.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu (ảnh chụp từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh hình thức, chồng chéo, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, làm việc nào dứt việc đó; dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống".
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng khẳng định.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Về công việc cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan tới doanh nghiệp. Các bộ, ban, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, thực chất, hiệu quả.
"Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư