(MPI) – Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, ngày 27/12/2022 đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thể hiện bằng Luật Quy hoạch và các văn bản đã ban hành; công tác này được ví là công binh mở đường, nếu làm tốt sẽ có đường hướng tốt, khai thác tiềm năng lợi thế, khắc phục những điểm nghẽn, thích ứng với các xu thế mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức,… tạo ra giá trị, không gian phát triển. Phải coi đây là cơ hội để sắp xếp, tổ chức lại, khắc phục điểm nghẽn, tạo ra giá trị mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, coi trọng vấn đề quy hoạch và đã tổ chức xây dựng, tham vấn ý kiến theo quy định. Đồng thời nhấn mạnh, Đà Nẵng có vị trí, vai trò quan trọng, trung tâm của miền Trung. Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;… đều đặt Đà Nẵng ở vị trí, vai trò quan trọng. Đặc biệt, trong định hướng quy hoạch quốc gia, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi). Đây là vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng có mức phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân cao, diện mạo thay đổi, cơ cấu kinh tế, quy mô kinh tế đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, gần đây có mức chững lại, có thể là do dư địa không gian, do quỹ đất, các động lực đã đến mức tới hạn. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kế thừa những kết quả đạt được của thành phố và đặt ra những vấn đề mới của Đà Nẵng; đặt Đà Nẵng trong vai trò, vị trí, sứ mệnh mới.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề đặt ra trong quy hoạch thời gian tới của thành phố Đà Nẵng; về bố trí không gian, hạ tầng để phù hợp với tình hình thực tiễn; về kết nối, liên kết vùng, tích hợp các ngành trong nội bộ, kết nối với các địa phương của vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm; những đột phá để tạo nên những giá trị mới, cao hơn, chẳng hạn như triển khai hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, thương mại tự do, công nghệ cao, hướng tạo động lực mới ra sao để tạo ra bước phát triển đột phá mới cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là cực tăng trưởng của vùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
|
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, căn cứ Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo đúng quy trình để trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua. Việc xây dựng quy hoạch đảm bảo tích hợp theo chiều dọc, từ trên xuống - từ dưới lên với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia và các nội dung tích hợp vào quy hoạch; theo chiều ngang với quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và các tỉnh trong vùng nhằm thống nhất, đồng bộ trong các định hướng phát triển và khai thác nguồn lực tổng thể.
Trình bày Báo cáo quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, Báo cáo quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Về quan điểm quy hoạch, từ yêu cầu bám sát quan điểm, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 43-NQ/TW và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng đã đặt ra quan điểm tập trung phát triển thành phố theo 03 trụ cột, trong đó đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào sự phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng của thành phố, đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt.
Hai trụ cột quan trọng khác định hình sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ tới là kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; và trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Báo cáo quy hoạch cũng xác định trong thời kỳ tới thành phố Đà Nẵng sẽ có 06 nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế; 07 khu vực trọng điểm phát triển kinh tế; 07 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch.
“Nhận thức được đây là bản quy hoạch quan trọng làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Thành phố, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để sớm hiện thực hóa được mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch”, ông Minh nói.
Tham gia ý kiến đối với hồ sơ quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, ủy viên phản biện đều có nhận xét chung, hồ sơ quy hoạch được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung về đánh giá thực trạng phát triển và sự phù hợp phân bố phát triển không gian của một số ngành, lĩnh vực; đánh giá rõ hơn thực trạng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xác định rõ hơn những điểm tồn tại, hạn chế, thách thức, kế thừa khi xây dựng quy hoạch tích hợp; đánh giá rõ hơn quy mô, tiềm năng sử dụng quỹ đất và định hướng phát triển; sự phù hợp và chưa phù hợp của công trình giao thông, hạ tầng kết nối, khả năng kết nối với địa phương trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên; đánh giá rõ hơn về cơ cấu kinh tế.
Về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch cơ bản phù hợp với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn luận cứ về mục tiêu đặt ra; bố cục lại nội dung phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; xem xét việc lựa chọn các ngành quan trọng, đảm bảo tính khả thi, tạo ra động lực trong thời kỳ quy hoạch và bố trí thứ tự ưu tiên; Rà soát làm rõ các khu chức năng, phương án phát triển các trung tâm logistic; các chỉ tiêu sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Theo chuyên gia Hoàng Văn Cường, báo cáo quy hoạch cần đánh giá rõ hơn thực trạng, nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế để trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế; đánh giá lợi thế về kinh tế biển, hệ thống kết nối giao thông, hạ tầng du lịch, trung tâm logistic. Đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung về kịch bản, mục tiêu tăng trưởng, các khâu đột phá; phương án quy hoạch các ngành lĩnh vực, mỗi ngành, lĩnh vực cần lựa chọn ra điểm nhấn chính; Về hạ tầng, nhấn mạnh đến hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng;…
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý quý báu và khẳng định, thành phố Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch với chất lượng cao nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung về tăng trưởng; phát triển kinh tế biển; phát triển văn hóa đồng bộ với kinh tế; phát triển đô thị; bảo vệ tài nguyên rừng, biển đảo; phát triển du lịch; khu công nghệ cao, công nghệ thông tin.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc, các ý kiến xác đáng, có giá trị của các đại biểu, qua đó giúp hình dung nên bức tranh của Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch, là thành phố đáng sống, phát triển nhanh nhưng phải bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh, văn hóa, xã hội, xu thế mới của quốc tế. Quy hoạch của thành phố Đà Nẵng đã được cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp triển khai theo pháp luật quy hoạch và môi trường; thực hiện nghiêm túc các quy trình lập quy hoạch, bám sát các nhiệm vụ của quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện được khát vọng phát triển trong thời gian tới; nội dung quy hoạch thể hiện sự liên kết đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, sắp xếp không gian phát triển; cơ bản bám sát các Nghị quyết của Trung ương về phát triển thành phố Đà Nẵng cũng như các quy hoạch cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố Đà Nẵng nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Trong đó, cần bổ sung, làm rõ một số nội dung về xác định các điểm nghẽn và các thách thức hiện nay, các vấn đề then chốt để giải quyết các điểm nghẽn, thách thức, mở ra cơ hội, tạo ra giá trị mới; rà soát, cập nhập các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, nghị quyết vùng, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26… Đây là những vấn đề quan trọng để lựa chọn ngành nghề phù hợp, chuyển sang nền kinh tế xanh.
Quy hoạch phải xác định rõ hơn vai trò, vị trí, sứ mệnh của thành phố Đà Nẵng, là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng động lực, đầu tàu, bệ đỡ của vùng Tây Nguyên; từ đó xem lại các mục tiêu đề ra. Về các đột phá và động lực tăng trưởng, cần làm rõ hơn các cơ sở đưa ra các đột phá, đảm bảo tính khả thi; về giải pháp, nhấn mạnh về thể chế, hạ tầng, huy động nguồn lực, thu hút nhân tài chất lượng cao; cần rà soát và sắp xếp lại các ngành nghề lựa chọn, thứ tứ tự ưu tiên; các phương án liên kết vùng, phát triển các tiểu vùng, xác định vùng động lực ưu tiên; cơ sở xây dựng các hành lang, vành đai kinh tế; về phân bổ dân cư, cơ sở hạ tầng sắp xếp lại; nhu cầu sử dụng đất. Về lựa chọn ngành nghề ưu tiên, các đột phá, cần làm rõ hơn để tạo động lực, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm động lực kết nối và dẫn dắt phát triển các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư