Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/12/2022-11:05:00 AM
GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 29/12/2022, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu. Ảnh: MPI

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố tại Họp báo, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: MPI

Giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội

Để tiếp tục giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sáu nhóm giải pháp.Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn sịnh và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Thứ hai, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ. Cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Thứ ba, bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1292
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)