(MPI) - Toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành, giữ vững ngọn cờ về đổi mới và cải cách, không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dũng cảm vượt qua chính mình vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Đây là nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 04/01/2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giao thông vận tải; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm cầu địa phương.
Tiếp tục khẳng định vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế - xã hội
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bày tỏ thống nhất với nội dung báo cáo và đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục khẳng định được vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu. Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đánh giá cao kết quả rõ nét, toàn diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thành xuất sắc khối lượng công việc khổng lồ, nhiều công việc khó; với vai trò tham mưu kinh tế trưởng, tham mưu xây dựng chính sách chiến lược; đầu mối tổng hợp về phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, trong quá trình thực hiện đã nhận được sự phối hợp tốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ đóng vai trò quan trọng trong việc đầu mối, phân tích, tổng hợp, chủ trì tham mưu các chính sách ngắn hạn và dài hạn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, trong bức tranh kinh tế chung của cả nước với những thành tựu đã đạt được có dấu ấn quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thống nhất cao với báo cáo của Bộ được trình bày tại Hội nghị; đánh giá cao kết quả đã triển khai trong năm 2022; Bộ đã phát huy cao năng lực phân tích dự báo, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề lớn của nền kinh tế; lần đầu tiên ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những cơ hội phát triển.
Để tạo động lực phát triển đất nước, Bộ đã tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và từng vùng; tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng trong cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết liệt cải cách thể chế, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển với trọng tâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Với những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn xứng đáng với sự tin tưởng của Chính phủ, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao các nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đồng thời thông tin, chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư ngoài xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ và của toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê; đồng thời dành nhiều thời gian để phân tích thêm những kết quả đạt được; nêu các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ mới, sứ mệnh mới cho Bộ và Ngành trong năm 2023.
Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm ơn những ý kiến đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính; cảm ơn các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và khẳng định, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới sáng tạo, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ trên mọi mặt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với phương châm xuyên suốt của Bộ là “đã tốt rồi phải tốt hơn, đã nhanh rồi phải nhanh hơn nữa”.
Bối cảnh tình hình năm 2023 còn rất phức tạp, có thể khó khăn hơn so với năm 2022, nhiệm vụ của Bộ, Ngành còn rất nặng nề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương - bản lĩnh, linh hoạt - đổi mới, sáng tạo - kịp thời, hiệu quả”, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngày 03/01/2023 là nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh. Chú trọng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Kịp thời phát hiện và có chủ trương, biện pháp phù hợp, kiên quyết khắc phục những khó khăn, những việc khó, việc mới.
Chủ động nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu phương châm hành động của Bộ, của Ngành trong năm 2023 là “chủ động nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai”. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu phương châm hành động của Bộ, của Ngành trong năm 2023 là “chủ động nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai”. Đồng thời đề nghị, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ và Ngành nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, trí tuệ, bản lĩnh hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, tập trung vào hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt toàn bộ các quy hoạch còn lại; hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại các tỉnh, thành phố; xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước liên kết, kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới; xác định, tập trung vào một số ngành lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể tận dụng để đi tắt đón đầu và đi cùng với các xu thế phát triển xanh của thế giới; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nâng cao năng lực phân tích dự báo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, tính kịp thời, chính xác và chất lượng công tác tham mưu trong điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dự báo năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức hơn, nhiều cạnh tranh gay gắt hơn, nhiều yếu tố bất định hơn so với năm 2022. Mục tiêu nhất quán là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế; khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đầu tư của xã hội; thu hút FDI chất lượng, hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn nữa chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, đổi mới các mô hình tăng trưởng, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới phù hợp với những thay đổi và xu hướng của thế giới như kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu cũng như cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn ba đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, nhất là đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững ngọn cờ về đổi mới và cải cách, không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dũng cảm vượt qua chính mình vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư