(MPI) - Chiều ngày 10/02/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì họp Ban Soạn thảo (BST), Tổ Biên tập (TBT) xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tham dự cuộc họp có đại diện bộ, ngành là thành viên TBT, BST.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì họp. Ảnh: MPI |
Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định rõ, mục tiêu hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; tạo nguồn vốn hỗ trợ, phát triển DNNVV; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước hỗ trợ DNNVV.
Quỹ thực hiện chức năng cho vay, bao gồm cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp và tài trợ cho DNNVV; được tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNV; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế.
Theo quy định tại Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, đối tượng hỗ trợ của Quỹ là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Việc thay đổi đối tượng hỗ trợ của Quỹ được thực hiện theo đúng định hượng của Luật Hỗ trợ DNNVV về việc tập trung nguồn lực hỗ trợ để phát triển các nhóm đối tượng nêu trên.
Thông tin về một số nội dung chính trong quá trình thi hành, thực hiện Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, hoạt động hỗ trợ DNNVV của Quỹ là một trong các giải pháp tổng thể, đồng bộ kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời. Hệ thống các luật về doanh nghiệp, hỗ trợ DNNVV được thông qua đã tạo môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển, cho thấy sự thống nhất của Chính phủ luôn coi khối doanh nghiệp là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với cơ chế tiền lương, tài chính, nhân sự theo doanh nghiệp.
Quỹ đã đáp ứng được một phần nhu cầu về vốn của một bộ phận DNNVV, đa số là những DNNVV điển hình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến tại các địa bàn trên phạm vi cả nước. Sau khi nhận nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ, các doanh nghiệp đều hoạt động tốt, tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, Quỹ vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như đối tượng hỗ trợ của Quỹ đã bị thu hẹp, khung pháp lý tín dụng cho DNNVV còn hạn chế, mô hình hoạt động, tổ chức điều hành chưa đồng bộ,… Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 39/2019/NĐ-CP nhằm tạo sự đồng thuận hơn trong hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Tham dự ý kiến, về cơ bản các Bộ, ngành, cơ quan và thành viên BST, TBT đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP và có ý kiến tập trung vào một số nội dung chính về cơ cấu tổ chức quản lý Quỹ, hoạt động cho vay, hoạt động tài trợ,…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao ý kiến tích cực, có trách nhiệm của các thành viên BST, TBT và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định. Trong đó, tập trung hoàn thiện Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 39/2019/NĐ-CP và tờ trình về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 39/2019/NĐ-CP đầy đủ, xúc tích và ngắn gọn, đưa ra giải pháp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư