(MPI Portal) – Ngày 06/6/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Phương pháp lựa chọn và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh và Giám đốc Ban phát triển bền vững Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, bà Jennifer J.Sara.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh (giữa) và Giám đốc Ban phát triển bền vững Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, bà Jennifer J.Sara chủ trì Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định nhu cầu đầu tư của Việt Nam từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Trong chiến lược 10 năm 2011 – 2020, Việt Nam đưa ra 3 đột phá về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới là đối tác song phương và hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được những chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, trong đó, tập trung vào phát triển hạ tầng đô thị.
Bà Jennifer J.Sara cho rằng Việt Nam cần cân bằng các nguồn vốn nội địa, vốn ODA, nên có chính sách trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việt Nam phải sử dụng các biện pháp xếp hạng ưu tiên phù hợp cho từng lĩnh vực như kinh tế, môi trường.
Trong phần giới thiệu tổng quan về Phương pháp, ông Reda Hamedoun, Chủ nhiệm dự án, Ngân hàng Thế giới cho biết, phương pháp lựa chọn và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn lập hồ sơ sẽ kiểm tra tính tương thích của dự án với các tiêu chí chuẩn quốc gia; Giai đoạn đánh giá phân tích và đánh giá các hạ tầng; Giai đoạn lựa chọn sẽ cho điểm và xếp hạng thứ tự dự án được cấp vốn.
Trong giai đoạn lập hồ sơ, các hồ sơ dự án được lựa chọn phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Với 11 ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 của Việt Nam, phương pháp sẽ tập trung vào 6 ưu tiên là tái cơ cấu nền kinh tế để cải thiện chất lượng và tính cạnh tranh; Phát triển các ngành kinh tế và các ngành công nghiệp; Phát triển văn hóa, công bằng xã hội và bảo trợ xã hội; Bảo vệ môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu; Phát triển vùng và các khu vực đô thị, nông thôn một cách bền vững; Huy động và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại. Để có thể được cân nhắc thẩm định, một dự án hạ tầng cơ sở được lựa chọn phải tương thích với ít nhất ba ưu tiên quốc gia.
Nhóm các dự án vào các ngành là hoạt động lập ưu tiên chủ đạo: hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp năng lượng; thủy lợi; đối phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị; hạ tầng cơ sởkhu công nghiệp; hạ tầng cho thương mại và buôn bán; hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và viễn thông; hạ tầng cho giáo dục và đào tạo.
|
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Trong giai đoạn đánh giá, phương pháp sẽ tập trung đánh giá về tác động kinh tế như tạo tăng trưởng cho các ngành, duy trì thương mại, tạo việc làm, tính bền vững của dự án, xúc tác cho các đầu tư khác. Tác động về xã hội và môi trường như tạo lợi ích cho cộng đồng, cải thiện (thu nhập, sức khỏe, an toàn), hội nhập, tăng trưởng toàn diện, tiếp cận nông thôn, các tác động đến môi trường.
Tiếp theo, đánh giá khả năng tài chính, đánh giá khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng sống còn, nếu dự án không thể bền vững dựa trên nguồn thu phí sử dụng, liệu có thể được cung cấp tài chính qua các nhà đầu tư tư nhân, các thị trường vốn và các phương tiện khác. Cuối cùng là đánh giá chi phí, là tổng giá trị của các dự án trong ngành phải trong phạm vi ngân sách, trừ khi bản thân dự án có ngân sách riêng.
Trong giai đoạn này phải lựa chọn các chỉ số đánh giá chung và cụ thể cho ngành. Phương pháp sẽ lập thang điểm để đánh giá với ba phương án khác nhau để xác định giá trị là định chuẩn, xếp hạng các dự án, đánh giá kỹ thuật. Giai đoạn đánh giá sẽ lập tỉ trọng cho các chỉ số về kinh tế, xã hội. Sau khi phân tích các tiêu chuẩn kinh tế và xã hội, tỉ trọng có thể được sử dụng để tính điểm cuối cùng cho mỗi tiêu chuẩn.
Cuối cùng là giai đoạn lựa chọn. Hai phương pháp có thể dùng cho việc đặt ưu tiên và lựa chọn các lĩnh vực là trình bày biểu đồ ma trận hoặc lượng hóa điểm kinh tế - xã hội và môi trường. Trong phương pháp trình bày biểu đồ ma trận, vị trí tương đối của mỗi dự án có thể đại diện và do vậy có thể so sánh giá trị, tính khả thi, lợi ích xã hội và kinh tế của các dự án. Tiếp theo, xếp hạng các dự án, cùng với các tiêu chí, trọng số và giá trị có thể áp dụng phương pháp so sánh khác, ví dụ cộng điểm các giá trị và so sánh chúng với nhau. Khi đó có thể đặt ưu tiên tác động xã hội hoặc kinh tế.
Giai đoạn lựa chọn cũng ưu tiên xây dựng kênh thông tin rõ ràng và xác định cụ thể về các dự án sẽ ra tín hiệu về các cam kết thực hiện các dự án chính phủ, nhờ vậy sẽ nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư cá nhân trong việc lập kế hoạch phát triển hạ tầng ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ với các đại biểu Chương trình thúc đẩy tăng trưởng của Bra-xin và khung đánh giá, phương pháp xác định ưu tiên của Ô-xtrây-li-a để các chuyên gia Việt Nam tham khảo./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư