(MPI Portal) – Ngày 27/11/2014, Hội nghị thường niên nhóm đối tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng, đại diện của VCCI cùng các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam và đại diện các Bộ, ban ngành có liên quan.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Chào mừng các đối tác phát triển tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá cao sự quan tâm của các nhà tài trợ đối với sự phát triển của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam. Thứ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ hơn về vai trò hết sức quan trọng của khu vực DNNVV trong sự phát triển của nền kinh tế với việc đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị, sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp, cũng như nguồn lực từ các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cho sự phát triển của DNNVV Việt Nam.
Về Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 với mục tiêu thành lập khoảng 350.000 DNNVV trong giai đoạn này, góp phần nâng tỷ trọng của DNNVV trong kim ngạch xuất khẩu lên 8-10% thông qua 8 nhóm giải pháp: tăng cường khung pháp lý cho sự tham gia, điều hành và thoái rút của các doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của các DNNVV; hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới; phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nâng cao năng lực quản lý của DNNVV; thiết lập sự hợp tác công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp; hỗ trợ thông tin và mở rộng thị trường; phát triển cơ sở hạ tầng của cơ quan hỗ trợ DNNVV; quản lý việc thực thi Kế hoạch 5 năm DNNVV. Báo cáo giữa kỳ cho thấy kết quả triển khai Kế hoạch đã hoàn thành 7/8 nhóm giải pháp, tại các địa phương do ảnh hưởng của khó khăn về kinh tế nên chỉ có một số tỉnh hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đề ra.
|
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (phải) trình bày các nội dung, chính sách hỗ trợ DNNVV.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Để triển khai Kế hoạch, việc thiết lập Đơn vị thực hiện hỗ trợ DNNVV thật sự cần thiết. Đơn vị này cần sự góp mặt của Hội đồng quốc gia khuyến khích phát triển DNNVV tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ DNNVV, trong đó Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT có vai trò triển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp, là đầu mối tư vấn và thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp kỹ thuật cho các DNNVV. Theo đó, UBND các tỉnhcó nhiệm vụ trợ giúp phát triển DNNVV trên địa bàn về các chính sách hỗ trợ, tổ chức các buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các DNNVV, hợp tác với các Bộ, ban ngành triển khai nhiệm vụ và báo cáo thường niên cho Bộ KH&ĐT về việc hỗ trợ các DNNVV. Chính phủ khuyến khích các tổ chức hiệp hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội thành lập và củng cố các tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình trợ giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển dịch vụ phát triển kinh doanh (BDS). Mục tiêu chiến lược của Đơn vị là nâng cấp hệ thống, tăng cường năng lực thực thi, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển DNNVV, hướng tới tăng trưởng bền vững. Nhiệm vụ chính là cải thiện các quy định pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và tổ chức của Đơn vị thực thi hỗ trợ DNNVV; bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho Đơn vị; cải thiện điều kiện làm việc để triển khai các chương trình hỗ trợ DNNVV trong các lĩnh vực tham gia vào chuỗi giá trị, các cụm công nghiệp, chương trình của khu vực và hỗ trợ các tỉnh khó khăn; đẩy mạnh hợp tác giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, sự tham gia của khối công – tư.
Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực DNNVV. Được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đây là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. Quỹ hoạt động với các nhiệm vụ như tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, nguồn vốn ủy thác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam để tạo nguồn vốn hỗ trợ phát triển DNNVV; hỗ trợ tài chính cho các DNNVV; xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động hàng năm, kế hoạch hoạt động dài hạn và các tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ. Giai đoạn đầu, Quỹ sẽ cung cấp các khoản nợ ủy quyền cho DNNVV thông qua VDB hoặc các Ngân hàng thương mại; hợp tác với các tổ chức hữu quan để cung cấp thông tin, tư vấn tài chính và quản lý kinh doanh cho các DNNVV được Quỹ hỗ trợ; hợp tác với công ty bảo hiểm để cung cấp dịch vụ thử nghiệm bảo hiểm tín dụng; tiếp nhận ủy quyền vốn, hỗ trợ, vốn trao tặng từ các tổ chức cho các DNNVV.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Căn cứ theo các quy định pháp lý về kinh doanh, các chương trình, chính sách phát triển ngành nghề, hỗ trợ DNNVV, Bộ KH&ĐT đang đưa ra đề xuất Luật hỗ trợ DNNVV, đây sẽ là khung pháp lý cao nhất bảo đảm sự thực thi toàn diện và nhanh chóng, phân bổ ngân sách nhà nước thường niên, xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ, thiết lập cơ chế M&E hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh và đổi mới DNNVV. Nghị định 56/2009/NĐ-CP nêu rõ 8 nhóm trong chính sách hỗ trợ DNNVV gồm có hỗ trợ tài chính (điều chỉnh lãi suất ngân hàng, quỹ phát triển DNNVV, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, giảm thuế…); hỗ trợ cơ sở sản xuất, công nghệ, thúc đẩy thị trường, tham gia vào mua bán và dịch vụ công; thông tin và tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp.
Hội nghị cũng được nghe đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các nhà tài trợ trình bày về các dự án đang hỗ trợ triển khai tại Việt Nam và tham luận của VCCI về việc phát triển khu vực tư nhân trong nền kinh tế một cách bền vững và độc lập. Qua đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc triển khai dự án tại Việt Nam, cũng như đưa ra những ý kiến góp ý, thảo luận về sự phát triển của DNNVV Việt Nam trong thời gian tới./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư