(MPI) - Chiều ngày 06/3/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc làm việc với Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản KEIDANREN) đại diện là ông Masayoshi Fujimoto, ông Hideo Ichikawa và ông Masayuki Hyodo, 03 đồng chủ tịch KEIDANREN trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và các kế hoạch hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tham dự buổi làm việc có các thành viên thuộc KEIDANREN, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Masayoshi Fujimoto tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao vai trò của KEIDANREN, là kênh thông tin trao đổi hữu hiệu với cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Trong khuôn khổ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam duy trì kênh đối thoại thông qua diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản có kênh thông tin để trao đổi về môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003.
Phát biểu tại buổi tiếp, các đồng Chủ tịch KEIDANREN cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã dành thời gian tiếp đón Đoàn; bày tỏ cảm ơn sự hợp tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nhiều năm qua đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư. Ông Masayoshi Fujimoto, nhấn mạnh, cuộc họp tiền đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 vừa mới diễn ra đã nhận được nhiều ý kiến cho thấy, Sáng kiến đã đạt được nhiều kết quả tích cực và dự kiến Sáng kiến giai đoạn tới sẽ bổ sung thêm một số lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là đất nước có chính trị ổn định, thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Masayuki Hyodo đã nêu một số nội dung, mong muốn từ phía doanh nghiệp Nhật Bản; những kế hoạch, kỳ vọng triển khai trong giai đoạn tới. Đặc biệt là trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Chúng ta đã duy trì Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được 20 năm, đặt được nền móng rất tốt cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và hy vọng chúng ta sẽ làm tốt hơn cho 20 năm nữa. Năm 2023 là năm Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam -Nhật Bản, là năm bản lề đưa ra những nền móng cho giai đoạn tới, trong đó tập trung vào các vấn đề như đối phó với hiện trạng trái đất nóng lên; chuyển đổi năng lượng sạch; chuyển đổi số, do vậy ông Masayuki Hyodo mong muốn hai bên sẽ có sự chuẩn bị nền tảng để thực hiện những vấn đề này.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu mang tầm chiến lược và dài hạn, đó là đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại; đến năm 2050 đưa phát thải ròng về “0”. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục thực hiện 03 khâu đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung xây dựng hạ tầng chiến lược, tạo động lực cho tăng trưởng, nâng cao cạnh trạnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Chiến lược tăng trưởng xanh xác định 1 trong 6 trụ cột là chuyển đổi năng lượng, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tập trung phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thu hút các doanh nghiệp starups, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu, thành lập trung tâm tài chính; tập trung vào một số ngành mang tính dẫn dắt, có tính xu hướng của thế giới như ngành sản xuất bán dẫn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và mong muốn thông qua KEIDANREN, qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam. “Chúng ta đã trải qua 8 giai đoạn sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, đã ký một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, nhưng thời gian qua sự có mặt của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn hạn chế. Do vậy, chúng tôi mong muốn KEIDANREN thông qua các đồng chủ trì sẽ có những dẫn dắt, định hướng để doanh nghiệp Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư”, Thứ trưởng nói.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi những nội dung cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Qua đó, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, mang lại lợi ích cho cả hai bên./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư