Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/03/2023-13:41:00 PM
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới
(MPI) - Hội thảo Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức ngày 07/3/2023 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Hội thảo được nghe phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và gợi mở nhiều nội dung để cùng suy nghĩ, thảo luận và kiến nghị các đề xuất nhằm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa. Hội thảo cũng được nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, những kết quả đạt được và đề xuất một số nội dung cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thống nhất cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước; đồng thời nhấn mạnh, hai bên còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Các ý kiến cũng khẳng định nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp chặt chẽ để tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác giữa hai bên; cùng tìm kiếm, mở ra những cơ hội hợp tác mới phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên, tạo ra thành quả hợp tác tương xứng với tiềm năng to lớn của Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Các ý kiến cũng đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản 8 giai đoạn trong 20 năm qua, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.

Các diễn giả của phía Nhật Bản và Việt Nam đã có những chia sẻ sâu sắc đối với những khả năng mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến tương lai, trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi vượt bậc trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, đó là những thách thức đặt ra đối với một nước còn ít kinh nghiệm như Việt Nam.

Quan hệ hợp tác phát triển ODA Việt Nam - Nhật Bản

Trình bày một số nét chính về quan hệ hợp tác phát triển ODA Việt Nam - Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Nhật Bản là một trong những mối quan hệ hợp tác phát triển song phương thành công nhất của Việt Nam thời gian qua, là một trụ cột quan trọng, là cầu nối, là chất xúc tác cho các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước cùng phát triển.

Sau hơn 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay, với trên 2700 tỷ Yên ODA vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện ở 04 điểm chính. Thứ nhất, ODA Nhật Bản để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Thứ hai, ODA Nhật Bản góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Viện trợ phát triển Nhật Bản hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình cử người tình nguyện và chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam và các chương trình đào tạo của JICA.

Thứ ba, ODA Nhật Bản gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản. Thứ tư, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xoá đói giảm nghèo, tác động trực tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản thông qua các dự án phát triển hạ tầng kinh tế quy mô nhỏ, đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện, đường giao thông nông thôn, cầu nhỏ và các công trình cấp nước, điện sinh hoạt tại các địa phương nghèo.

Tác động gián tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản thể hiện thông qua các dự án sử dụng ODA vốn vay phát triển hạ tầng kinh tế quy mô lớn góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và FDI, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn; các dự án viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như cử tình nguyện viên đến công tác tại các địa phương của Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở.... Đặc biệt, Việt Nam đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong lúc phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch thông qua việc cung cấp viện trợ vắc-xin, trang thiết bị y tế. Việt Nam có thể nhanh chóng khống chế dịch bệnh, mở cửa trở lại như ngày hôm nay một phần là nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc đối với một số chương trình, dự án, đòi hỏi hai bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết; đồng thời tin tưởng rằng, với sự nỗ lực chung, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã xác định 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục được xác định là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhìn chung định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn tới khá tương đồng với chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản; các loại hình cung cấp ODA của Nhật Bản đa dạng như vốn vay, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, cung cấp ODA qua bên thứ 3,…phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam.

Nhật Bản có khả năng cung cấp vốn vay ODA cho các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, nhất là việc triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là để triển khai có hiệu quả nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất một số kiến nghị như tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác phát triển (ODA); tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vướng mắc đối với một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam; phía Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn, tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Việt Nhật đồng hành - Hướng tới tương lai - Vươn tầm thế giới

Tại Hội thảo, hai bên đã trao đổi tập trung vào các nội dung về chuyển đổi xanh; Chuyển đổi số; Hợp tác về năng lượng; Đánh giá về hợp tác phát triển; Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và định hướng cho tương lai; Đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra các phiên thảo luận với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành của Việt Nam và Nhật Bản, trong đó tập trung trao đổi về khả năng phát triển của hợp tác Nhật Việt trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và năng lượng; khả năng phát triển của hợp tác, vận dụng ODA; định hướng phát triển ngành năng lượng của Việt Nam và tiềm năng hợp tác của hai nước trong thời gian tới; khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản định hướng đến tương lai, tầm nhìn 50 năm tới; quan hệ hợp tác trong lĩnh vực mới, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo,… nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và đề xuất hợp tác đầu tư.

Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đưa ra mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn xác định tìm kiếm nguồn lực và giải pháp để giải quyết vấn đề về môi trường bền vững lâu dài; lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio cho rằng, Hội thảo là hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, là dấu mốc quan trọng để hai bên cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, mối quan hệ hai nước với tầm nhìn 50 năm tới có thể phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển lên tầm cao mới.

Đại sứ YAMADA Takio cũng nhấn mạnh đến tiềm năng lợi thế của các bên trong việc thực hiện các nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo; hai bên sẽ cùng nhau đồng hành, hướng tới tương và vươn tầm thế giới. Muốn vậy, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn tới, bên cạnh thực hiện các nội dung đã có cần bổ sung, phát triển thêm các hoạt động với các công việc cụ thể thông qua các dự án có khả năng thực thi cao; đồng thời khẳng định, thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản để cùng đồng hành vì sự phát triển của mỗi quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chưa bao giờ mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tốt đẹp và toàn diện như bây giờ. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng hướng tới các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sự lan tỏa và phát triển bền vững. Cùng với đó là đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục thảo luận và đưa ra các đề xuất cụ thể, tham mưu về chính sách đồng thời mở ra những cơ hội nhằm hiện thực hóa các nội dung đặt ra trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác về năng lượng,… và cả nội dung Sáng kiến chung để báo cáo Lãnh đạo hai bên. Đồng thời tin tưởng rằng, với nền tảng Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, với những nhận thức chung lớn đã được thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng với sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta, quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Nhật Bản nhất định sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2441
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)