(MPI) - Tại buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cố vấn đặc biệt Nội các Chính phủ Nhật Bản vào chiều ngày 08/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh Nhật Bản đã phối hợp với Việt Nam để cùng thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Tại buổi tiếp, Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp đoàn; bày tỏ trân trọng những nỗ lực, kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua với việc triển khai nhiều chính sách hiệu quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, đồng thời đánh giá cao những cam kết, hành động của Việt Nam về các vấn đề môi trường.
Giới thiệu về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) - sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng, trung hòa carbon và phát triển bền vững phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các quốc gia châu Á, ông Maeda Tadashi đánh giá cao việc Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng AZEC vào đầu tháng 3 vừa qua với các cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), châu Á và khu vực Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng để cùng Nhóm G7 hợp tác và thực hiện cuộc đối thoại thống nhất, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo.
Ông Maeda Tadashi khẳng định Việt Nam là quốc gia đối tác quan trọng của Nhật Bản trong triển khai các chiến lược hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện ý tưởng tạo lập “cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á” bằng các kế hoạch, dự án cụ thể.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn làm việc JBIC. Ảnh: MPI |
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch JBIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện cam kết đặt ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Là nước đang phát triển, nhu cầu sản xuất còn lớn và gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và nguồn vốn nhưng cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như các nước phát triển. Việt Nam cần có cách tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm công bằng, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Bộ trưởng mong muốn JBIC hỗ trợ về tham vấn chính sách, nguồn lực, công nghệ để Việt Nam có thể phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; hỗ trợ Việt Nam xây dựng một lộ trình cụ thể, thuận lợi nhất để đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời đề nghị phía Nhật Bản và JBIC giúp đỡ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua các cơ chế như Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và trao đổi, triển khai có hiệu quả sáng kiến AZEC và sáng kiến chuyển đổi năng lượng tại châu Á.
Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư trong các lĩnh vực với mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng để cùng thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050. Với mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới và đặc biệt hơn cho giai đoạn tới./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư