Kinh tế biển là lĩnh vực thế mạnh của Na Uy và Việt Nam có nhiều tiềm năng. (Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN) Tiếp Quốc vụ khanh Na Uy, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh những cơ hội hợp tác cho giai đoạn 10 năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế biển - thế mạnh của Na Uy và Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Thời gian qua, Việt Nam và Na Uy đã hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là công nghiệp, thương mại và năng lượng. Tổng kim ngạch trao đổi giữa hai nước khoảng 500 triệu USD.
Hiện nay, Na Uy có 54 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 192,78 triệu USD, xếp thứ 41/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; hơn 40 doanh nghiệp doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam.
Hơn nữa, Na Uy đang đứng trước những cơ hội hợp tác cũng như thách thức mới cho giai đoạn phát triển 10 năm tới đây, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế biển - thế mạnh của Na Uy và Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh tại buổi tiếp ông Erling Rimestad - Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Vương quốc Na Uy, tại trụ sở Bộ Công Thương ngày 1/3.
Tại buổi tiếp, ông Erling Rimestad cũng đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương về quan hệ hữu nghị hợp tác bền chặt giữa Việt Nam-Na Uy trong nhiều lĩnh vực, nhất là Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng như lợi thế địa lý về đường bờ biển, ngành thủy sản là lĩnh vực có thế mạnh của hai nước.
Nhờ có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào nên ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo của Na Uy rất phát triển. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường điện gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển.
Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy cũng đang tận dụng những kiến thức chuyên môn ngoài khơi. Đây là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xây dựng các công trình trên biển để khẳng định vị thế trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trên các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao này cho Việt Nam.
Nhân dịp này, ông Erling Rimestad cũng giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Công Thương các Tập đoàn hàng đầu về năng lượng sạch gồm: Mainstream, Scatec, Norsk Solar, Equinor và trao đổi về triển vọng của các nguồn đầu tư Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như mong muốn được tìm hiểu quy định của Việt Nam để phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chia sẻ nội dung phía bạn quan tâm gồm các khuôn khổ pháp lý của Việt Nam để phát triển điện gió ngoài khơi.
Cũng tại cuộc họp, hai bên đều nhận thấy trong thời gian tới chính phủ cùng doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Na Uy cần nghiên cứu, tham gia hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chủ trương đầu tư, nghiên cứu triển khai các dự án năng lượng xanh theo định hướng, lộ trình quy hoạch và quy định.
Điều này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động phát triển các dự án năng lượng xanh như điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro... giữa các tập đoàn, công ty của Việt Nam và các đối tác Na Uy.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định nhu cầu về năng lượng, cụ thể là điện năng gia tăng, sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai khi Việt nam phát triển kinh tế, mở rộng đầu tư sản xuất. Để thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ, hợp lý và đa đạng hóa các loại hình nguồn điện.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi về việc thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (Việt Nam-EFTA) gồm bốn nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Liechstentein và Iceland.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao nỗ lực của Đoàn đàm phán hai bên trong suốt quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA vừa qua nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong các vấn đề còn tồn tại quan điểm khác biệt.
Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng có những linh hoạt cần thiết và phía EFTA cūng cần có những linh hoạt nhất định để hiệp định có tính cân đối, mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai bên.
Để đạt được điều này, hai bên cần đàm phán trên cơ sở hiểu rõ những yêu cầu, khả năng đáp ứng cũng như khó khăn riêng của mỗi bên; đồng thời, tránh mở lại đàm phán những nội dung đã được hai bên thống nhất.
Đồng tình với chia sẻ của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Quốc vụ khanh Vương quốc Na Uy cũng đề nghị phía Na Uy và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EFTA hơn nữa trong thời gian tới.
Na Uy cũng như các nước thành viên khác trong khối EFTA sẽ phối hợp với phía Việt Nam để sớm thu hẹp khoảng cách đối với những nội dung còn tồn tại giữa hai bên, tiến tới kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất như chỉ đạo của các nhà lãnh đạo hai nước.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao những hợp tác của Tập đoàn Equinor và Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua và mong muốn Tập đoàn Equinor cũng như các công ty của Na Uy tiếp tục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển năng lượng xanh, nhất là điện gió ngoài khơi.
Ông Erling Rimestad kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai bên và quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Na Uy ngày càng phát triển hơn nữa./.