(MPI) - Đây là chủ đề của Đối thoại cấp Bộ trưởng diễn ra ngày 07/7/2023 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng.
|
Hình ảnh tại Phiên đối thoại. Ảnh: MPI |
Tham gia Đối thoại có Ông S.S. Teo, Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Pacific International Lines, Nguyên Chủ tịch SBF; Ông Federico Donato, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Singapore; Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.
Đối thoại được diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực - Singapore (SRBF) lần thứ 7 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tại Hà Nội với chủ đề Tăng cường hợp tác khu vực để tăng trưởng bền vững. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại một quốc gia ngoài Singapore.
Tại Đối thoại, các diễn giả đã trao đổi quan điểm về các chủ đề như chuyển đổi năng lượng, tương tác kỹ thuật số, phát triển kinh doanh và cơ hội của việc xây dựng một tương lai bền vững về mặt xã hội, kinh tế và môi trường cho khu vực.
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ, làm rõ thêm các vấn đề được Singapore quan tâm và cho rằng, lần đầu tiên SRBF được tổ chức ngoài Singapore và Việt Nam là nơi được chọn tổ chức, thể hiện sự tin tưởng vào công cuộc cải cách của Việt Nam, vào môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng của Việt Nam để các doanh nghiệp Singapore nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung cùng chia sẻ về tiềm năng, lợi thế, cơ hội hợp tác trong giai đoạn tới.
Đồng thời nhấn mạnh cơ hội hợp tác mới giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế số, đào tạo nhân lực, đây là những trụ cột quan trọng trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng đã có những trao đổi về 06 lĩnh vực được xác định trong hợp tác kết nối hai nền kinh tế và mở rộng, bổ sung thêm về lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh; cách thức tận dụng cơ hội, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực; kết nối hai khu vực doanh nghiệp để có sự gắn kết doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Singapore với doanh nghiệp Việt Nam.
Về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, là lợi thế nhưng nếu không được đào tạo và nâng cao thì chất lượng nguồn nhân lực chắc chắn sẽ không phát huy được lợi thế này. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng khoảng 10 năm nữa sẽ bắt đầu bước sang giai đoạn già hóa dân số. Do vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác với Singapore để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho hai nền kinh tế, cho các doanh nghiệp Singapore khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện đang có sự tách rời lẫn nhau giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam khó có điều kiện vươn lên, đảm bảo tiêu chuẩn kết nối với doanh nghiệp nước ngoài và tham gia chuỗi giá trị. Đây là thách thức rất lớn và mong muốn doanh nghiệp Singapore cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, bổ sung, bổ trợ cho nhau và cả hai bên cùng thắng; cùng vươn lên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn thách thức và xác định cơ hội nhiều nhưng thách thức không nhỏ. Do vậy làm thế nào để nhận diện được những thách thức, cùng nhau giải quyết, nhận diện được các cơ hội, tiềm năng, lợi thế để hợp tác trong khu vực, trong quan hệ giữa hai nước với phương châm hai bên cùng có lợi, cùng thắng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng xanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là xu thế chung trên toàn cầu và Việt Nam đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và triển khai rất quyết liệt, trong đó đề ra 4 mục tiêu chính gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam bởi trong khi các nước đang ở trình độ cao hơn, có trình độ công nghệ, có đầy đủ các tiềm lực, tài chính còn Việt Nam đang trong quá trình phát triển, công nghệ, tài chính còn khó khăn nhưng nhu cầu đầu tư rất lớn. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và mong muốn cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu của mình.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực về Chiến lược tăng trưởng xanh, là cơ quan đầu mối về huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược này cũng như huy động nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được tiếp cận các kinh nghiệm, giải pháp cụ thể, các nguồn tài chính xanh.
Việt Nam đánh giá cao năng lực công nghệ, tài chính, quản trị, phát triển theo kinh tế xanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng; mong muốn nhận được sự đồng hành trong tiến trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.
Về kinh tế số, kinh tế xanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô tăng trưởng sang hướng bền vững. Điều này được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bền vững về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn cả bền vững về văn hóa, xã hội, năng lượng, lương thực, dân số… tất cả các yếu tố đó tạo nên sự bền vững.
Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ 4 lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, coi đây là động lực mới, gồm: đổi mới sáng tạo; Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh; chíp bán dẫn; hydrogen.
Về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đây là một trong những động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với đầu mối là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang triển khai mở rộng mạng lưới các đối tác trong khu vực và trên thế giới với mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đồng thời, triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hoà Lạc; được đánh giá là trung tâm hàng đầu tại Việt Nam và dự kiến được khánh thành vào tháng 10/2023 và tổ chức triển lãm công nghệ quốc tế tại đây; phấn đấu là một trong những trung tâm hàng đầu của khu vực và muốn các tổ chức, doanh nghiệp Singapore cùng tham gia, hỗ trợ, hợp tác và tham dự sự kiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Singapore tiếp tục quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam và khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực trong công cuộc cải cách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp bởi Việt Nam luôn xác định doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp hãy đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội của mình.
|
Toàn cảnh Phiên đối thoại. Ảnh: MPI |
Năm nay, Việt Nam Kỷ niệm 35 năm thu hút FDI và hiện Việt Nam được đánh giá thuộc top 10 quốc gia thu hút FDI tốt nhất thế giới. Đối với quan hệ Việt Nam hợp tác Việt Nam - Singapore, năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và chúng ta đang hướng tới tầm nhìn, cách tiếp cận mới cho 50 năm tới để cùng nhau mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, cho hai cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Sau phiên Đối thoại đã diễn ra phiên thảo luận của doanh nghiệp với các chủ đề Tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bền vững; Đổi mới sáng tạo công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của khu vực ASEAN; Tương lai của nguồn nhân lực - Sự phát triển của việc làm, lực lượng lao động và nơi làm việc; Kết nối, tìm hiểu tiềm năng, môi trường đầu tư của một số địa phương của Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư