Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/03/2023-12:45:00 PM
Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh
(MPI) - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận rất xác đáng, đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Đặc biệt, Diễn đàn được nghe chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về những định hướng lớn, cũng như nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Diễn đàn diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Thomas Jacobs cùng đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trong quá trình thảo luận, đại diện các bộ, ngành đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể. Qua đó, làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần toàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi số và năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập quốc tế. Về đào tạo nhân lực cao, đặc biệt về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì nòng cốt là từ hệ thống giáo dục, là các trường đại học, đào tạo nghề chất lượng cao để thực thi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam; trình độ, thủ tục, hồ sơ, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thời gian, tạo điều kiện nhanh nhất có thể cho những người lao động nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng làm rõ thêm vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp nêu liên quan đến phát triển năng lượng một cách bền vững, bảo đảm nhu cầu năng lượng của nền kinh tế và người dân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đồng thời cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Liên quan đến các vấn đề nhóm ngân hàng nêu về chuyển đổi số, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua. Liên quan đến tín dụng xanh, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế phục vụ phát triển tín dụng xanh.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động, cũng là cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Về chính sách tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị ưu tiên cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh, cố gắng đáp ứng tốt nhất về vốn ngân hàng cho các hoạt động phát triển kinh tế.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ thêm các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng số, phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; về internet; dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua internet; kinh doanh dịch vụ viễn thông trên nền tảng kỹ thuật số; triển Chính phủ điện tử; không gian số; Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số;...

VBFnhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.

Các ý kiến tại Diễn đàn rất tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Qua các ý kiến phát biểu cho thấy, chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau làm tốt hơn trong thời gian tới. Qua nhiều lần tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chân thành, tin cậy giữa hai bên, Thủ tướng nhấn mạnh.

25 năm qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Diễn đàn và cộng đồng doanh nghiệp vì những đóng góp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với kinh tế khu vực và toàn cầu. Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh thành công, thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin, đưa ra các công thức, trụ cột phòng chống dịch, chuyển hướng thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm mở cửa nền kinh tế.

Dưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã được ký kết và 02 FTA đang trong quá trình đàm phán.

Nhấn mạnh đến các nền tảng phát triển, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển.

Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.

Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, xây dựng các sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa; hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... từ đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…

Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai công tác quy hoạch; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn và trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

Phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Do vậy, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư trong tăng trưởng xanh.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn; giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu cấu trúc hài hòa này bị phá vỡ thì hợp tác không thể bền vững. Đồng thời mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tuỵ, thân thiện, giải quyết dứt điểm các công việc, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kiến nghị về sửa đổi thể chế, cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý, khẩn trương phản hồi các kiến nghị, tăng cường đối thoại chính sách, truyền thông chính sách, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Đồng thời, xem xét tiếp thu, lồng ghép các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các đại biểu tại Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, ngành để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Với chủ đề điều hành năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên.

Thủ tướng mong rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm đối thoại, không có gì ngăn cản được chúng ta hợp tác trên tinh thần cùng thắng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn lần này đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 25 năm VBF với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Thomas Jacobs, cùng đại diện các cơ quan của Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2305
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)